Xuân của nội lực
- Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2013 | 4:40:54 PM
YBĐT - Chúng tôi về Làng Ngần, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình khi hương sắc mùa xuân đã lan tỏa khắp các gia đình. Con đường phẳng phiu rộng mở, Làng Ngần như được khoác trên mình chiếc áo mới. Có lẽ chưa bao giờ Làng Ngần đẹp như hôm nay và đời sống người dân lại đổi thay nhiều đến thế.
Làng Ngần hiện nay đã có nhiều hộ gia đình nuôi tới vài chục con, thậm chí hàng trăm con lợn mỗi lứa.
Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Ngọc Thanh.
|
Ân tượng đầu tiên khi đến Làng Ngần là những nếp nhà được xây dựng theo quy chuẩn nhất định. Đây là những ngôi nhà mới của hơn 30 hộ vừa được di dời.
Tiếp chúng tôi tại nhà, Trưởng thôn Phùng Minh Đức cho biết: “Toàn thôn hiện có 134 hộ với trên 500 nhân khẩu, chưa kể thêm 30 hộ vừa mới sáp nhập. Trước kia, thôn chỉ được đánh giá ở mức trung bình về phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng, nội lực của Làng Ngần và đã cùng bà con tập trung phát triển kinh tế. Làng Ngần giờ trở thành nơi đi đầu trong thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đời sống của bà con trong thôn không ngừng được cải thiện”.
Minh chứng cho lời Trưởng thôn đó là trên 60% số hộ trong thôn có đời sống khá và giàu, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%, trên 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, Chi bộ Làng Ngần nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh”.
Mùa xuân của nội lực bao trùm khắp bản làng và trong từng gia đình của 134 hộ đồng bào Kinh, Nùng, Cao Lan.... Nhấp chén trà nghi ngút khói, đồng chí Lương Xuân Hợi - Bí thư Đảng ủy xã Vũ Linh phấn khởi tiếp lời: “Có sự đổi thay đó là do Làng Ngần đã biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, và điều quan trọng là vai trò của tổ chức cơ sở Đảng nơi đây luôn được phát huy cao độ. Chi bộ hiện có 23 đảng viên tham gia sinh hoạt, đây thực sự là hạt nhân tiền phong trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của thôn”.
Với phương châm, cán bộ, đảng viên là những người đi trước, làm trước để quần chúng học tập làm theo, đến nay, 100% số hộ gia đình trong thôn đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặc dù toàn thôn chỉ có hơn 20 ha ruộng nước, song nhờ được gieo cấy bằng các giống lúa lai có năng suất cao như Tiên ưu 63, Nhị ưu 838 và được đầu tư phân bón, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên năng suất lúa bình quân 110 tạ/ha/năm.
Không để đất ngừng nghỉ, bà con trong thôn tận dụng tối đa diện tích đất vườn, soi bãi trồng các loại cây màu với hàng chục ha mỗi năm. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây màu nên nghề chăn nuôi cũng phát triển khá mạnh nhất là nuôi lợn. Hiện tại, bình quân mỗi hộ trong thôn nuôi từ 2 đến 3 con lợn, nhà nhiều nuôi tới vài chục con, thậm chí hàng trăm con mỗi lứa.
Điển hình như hộ gia đình anh Hà Minh Thạch, Nguyễn Ngọc Thanh... Bên cạnh đó, phát huy lợi thế của đất đồi, hầu hết các hộ gia đình ở Làng Ngần đều trồng rừng, trung bình mỗi năm bà con trồng từ 3 - 5 ha cây lâm nghiệp, nâng tổng diện tích rừng hiện có trong thôn lên hơn 160 ha.
Với đặc thù là thôn trung tâm của xã, trên 30% số hộ gia đình ở Làng Ngần đã mạnh dạn đầu tư phát triển các ngành nghề dịch vụ, buôn bán vừa và nhỏ. Nhờ có hướng đi phù hợp và sự nhạy bén, cần cù trong lao động sản xuất mà hầu hết đời sống các hộ gia đình trong thôn đều được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững, 100% trẻ em trong độ tuổi được cắp sách tới trường.
Đặc biệt thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trung bình mỗi năm bà con trong thôn đã huy động từ 300 - 500 công lao động để tu sửa và nâng cấp các tuyến đường giao thông. Năm 2012, làm tuyến đường liên thôn Làng Ngần - Đồng Bội với chiều dài 1,4 km.
Bước sang năm 2013, mở mới tuyến đường vào nghĩa trang, đường Làng Ngần - Tầm Vông, bà con đã đóng góp trên 300 lao động để làm đường và vệ sinh môi trường. Không chỉ vậy, người dân đã tự nguyện đóng góp trên 60 triệu đồng tiền mặt và trên 500 công lao động xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang với diện tích sử dụng gần 50 m2 phục vụ các cuộc họp thôn và cũng là nơi để các cháu thiếu niên, nhi đồng vui chơi mỗi dịp hè về. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân sau những giờ lao động mệt nhọc.
Hơi thở ấm áp của mùa xuân đã làm dịu đi bao nỗi nhọc nhằn vất vả của người dân Làng Ngần. Quây quần bên mâm cơm, già trẻ, gái trai hàn huyên kể cho nhau nghe câu chuyện về nỗi vất vả sau những ngày để ngày mai họ sẽ cùng nhau phấn đấu nhiều hơn vì sự ấm no, giàu đẹp của mỗi gia đình và của quê hương.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Chục năm trở lại đây, kể từ khi phố tôi có nhà văn hóa, tình cảm giữa các gia đình càng ngày càng thêm gắn bó. Nhớ lại lúc khu phố quy hoạch được đất xây nhà văn hóa, ai nấy đều phấn khởi.
YBĐT - Đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái có gần 82.000 người, cư trú tập trung tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên... Trước đây thường tổ chức ăn tết sớm hơn tết Nguyên đán một tháng nhưng vài năm nay, bà con người Mông ở khắp các địa phương trong tỉnh đã vui chung một tết, vừa tiết kiệm tiền bạc vừa có nhiều thời gian lao động, sản xuất.
YBĐT - Trong tiết trời se lạnh của ngày cuối đông, chúng tôi quyết định lên Khao Mang, một trong những xã diện khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái).
YBĐT - Chúng tôi lên bản Tà Sùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu vào những ngày cuối năm khi đồng bào Mông trong thôn đang nhộn nhịp tu sửa đường giao thông, nắng chiều ửng hồng trên gương mặt những phụ nữ Mông đang mải san đất làm đường.