Xuân sớm Khao Mang
- Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2013 | 4:15:06 PM
YBĐT - Trong tiết trời se lạnh của ngày cuối đông, chúng tôi quyết định lên Khao Mang, một trong những xã diện khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái).
Cây ngô đã góp phần nâng cao thu
nhập cho người dân trong xã.
|
Thôn Háng Bla Ha A cách trung tâm xã chừng gần 7 km, vi vu trên con đường bê tông rộng 2 mét uốn lượn quanh sườn đồi, đồng Lê Ngọc Minh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đây là con đường dẫn vào 2 thôn xa, khó khăn nhất nhì của xã là Séo Mả Pán B và Háng Bla A, trước kia chủ yếu là đường mòn, ngày nắng còn đi được chứ mùa mưa phải người bạo gan mới dám đi, hạt lúa, hạt ngô trồng được đem xuống trung tâm xã cũng bị trăm thứ chi phí đội lên khiến người nông dân không có lãi. Vậy nhưng hôm nay hai thôn đã có thể vi vu xe máy cả hai mùa mà không phải bận tâm, thương lái có thể vào tận thôn thu mua nông sản.
Khoát một vòng tay chỉ về phía những triền ruộng bậc thang đang khoác lên màu áo xanh mới, đồng chí Lê Ngọc Minh cho biết thêm “Kể từ khi có con đường này mà khuyến nông huyện đã tiến hành khảo nghiệm và đưa vào gieo cấy thành công giống lúa Bio 404. Đây là giống lúa lai cho năng suất cao. Vụ chiêm này, chúng tôi dự tính đạt khoảng 7 tấn/ha, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương. Cũng nhờ vậy mà diện tích lúa nước 2 vụ đã tăng lên trên 165 ha, hơn nữa người dân cũng đã biết làm vụ đông để nâng cao thu nhập, đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Tuy con đường chưa xong nhưng kế hoạch trong năm nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, sự góp công sức của nhân dân, chúng tôi sẽ hoàn thành con đường khoảng 8km vào tận thôn xa nhất. Rồi những con đường liên thôn bản khác hoàn thành, Khao Mang sẽ thoát nghèo, đó là điều không thể phủ nhận”.
Thực tế nhiều năm qua, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu ở xã vùng cao này không ngoài nguyên nhân chính là vấn đề giao thông đi lại khó khăn. Xã có 10 thôn bản nhưng phân bố dân cư thưa thớt, có những bản nhà nọ cách nhà kia tới cả một quả đồi, chủ yếu là đường mòn, đi bộ chứ không thể dùng được phương tiện giao thông nào khác, mùa nắng đã đành chứ mùa mưa thật vất vả, chính vì thế mà những nông phẩm của bà con không có thị trường tiêu thụ hoặc bị tư thương ép giá.
Từ khi có đường, cuộc sống của người dân đã ngày một đổi thay, hạt thóc, hạt ngô người dân làm ra đã không phải lo chuyện bị mất giá, chỉ cần alô là thương lái đến tận nơi, thay vì trước đây phải gùi mất cả ngày đường mới xuống được chợ bán. Cũng nhờ những con đường vượt núi của Chính phủ này mà nhiều người Mông trong xã đã vươn lên phát triển kinh tế làm giàu. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Lù A Phủ, bản Háng Bla Ha A.
Từ một hộ nghèo nhất nhì trong thôn, thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, vụ ngô xuân hè năm 2012, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha lúa nương sang trồng ngô, vụ thu hoạch đầu tiên đã cho năng suất hơn dự tính. Vậy là vụ ngô xuân hè năm 2013 gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi nốt hơn 1 ha lúa nương sang trồng ngô.
Với hơn 2 ha ngô, vụ xuân hè năm nay gia đình ông thu về trên 60 triệu đồng. Thóc lúa đã đầy bồ, tiền đã dư giả, gia đình ông Phủ đang sửa lại căn nhà, mua thêm một số vật dụng sinh hoạt để chuẩn bị đón tết và dự định đầu năm mới sẽ cưới vợ cho cậu con trai út. Không chỉ gia đình ông Phủ mà gia đình ông Sùng A Làng, bản Háng Cháng Lừ cũng vậy. Ngoài việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông mạnh dạn đầu tư nuôi 16 con trâu bò, ngoài việc lấy sức kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mỗi năm cũng thu về trên 50 triệu đồng tiền bán trâu giống, là một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi của xã.
Chỉ về phía ngôi nhà xây khang trang gần trung tâm chợ Khao Mang, Bí thư xã cho biết đó là gia đình ông Hờ Nủ Chua, một trong những hộ kinh doanh dịch vụ khá nhất của khu trung tâm chợ. Không chỉ có ông Chua mà nhiều hộ gia đình khác cũng đang khá lên nhờ mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế dịch vụ. Một điều đáng mừng nữa là sau bao khó khăn vận động, đến nay, người dân đã biết làm cây vụ đông vừa để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác vừa góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững hơn. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 69%, cơ bản đã giải quyết dứt điểm tình trạng đứt bữa lúc giáp hạt.
Chiều xuống, những bản làng người Mông ở Khao Mang chìm dần trong sương, lẫn với màu xanh ngút ngàn của rừng, của ánh đèn điện và lẫn trong tiếng nhạc, tiếng loa của nhà ai đang vọng về. Con đường ngược núi trước lún thụt đất đá, nay rộng mở thênh thang. Những em nhỏ người Mông đi học về tung tăng trong chiếc cặp trên tay đùa nhau ríu rít. Những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục với những gam màu nhiều họa tiết hòa trong làn sương trắng. Đôi má ửng hồng vui cười, sau lưng là những gùi ngô, thực phẩm để chuẩn bị cho những ngày Tết, bước chân mạnh mẽ, rắn rỏi không biết mệt mỏi dường như đã quen lắm với con đường này, bọn trẻ theo mẹ háo hức trong bộ quần áo mới chào đón xuân sang.
Lê Thanh
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi lên bản Tà Sùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu vào những ngày cuối năm khi đồng bào Mông trong thôn đang nhộn nhịp tu sửa đường giao thông, nắng chiều ửng hồng trên gương mặt những phụ nữ Mông đang mải san đất làm đường.
YBĐT - Từ năm 2007 đến nay, Yên Bái có 145 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia (6 giải nhì, 51 giải ba và 88 giải khuyến khích). Từ năm học 2011 -2012 đến nay, toàn tỉnh đã có 893 học sinh đạt giải cấp tỉnh bậc học THPT ở 9 môn văn hóa.
YBĐT - Đó là tiêu đề trên một panô cổ động của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH). Một chính sách của Nhà nước đến với đồng bào thông qua tấm thẻ nhỏ thôi nhưng mang một ý nghĩa rất lớn đối với mỗi đối tượng thụ hưởng.
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã tiến hành làm thủ tục mua và cấp 472.956 thẻ BHYT cho các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số trong vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và bảo đảm 100% số đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách đã được cấp phát thẻ BHYT, tổng kinh phí thực hiện ước trên 200 tỷ đồng.