Đồng tình với phương án đổi mới phương thức thi tốt nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/1/2014 | 8:45:05 AM

YBĐT - Chiều 2/1/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt (có thể áp dụng ngay trong năm 2014) đã tạo được sự chú ý của dư luận xã hội.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trao đổi bài sau giờ thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012 - 2013.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trao đổi bài sau giờ thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012 - 2013.

Theo Dự thảo công bố sẽ miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh. Cụ thể, ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành (người học khiếm thị, người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hóa và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ), các thí sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt cũng sẽ được miễn thi.

Vấn đề miễn thi sẽ dựa trên các tiêu chí: kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế. Thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Thí sinh được miễn thi vẫn có quyền đăng ký thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Còn đối với phương án thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hai phương án.

Phương án 1, thí sinh sẽ thi 4 môn: 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn còn lại do mỗi thí sinh tự chọn trong số 5 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm, đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm, đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Phương án 2, thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, 2 môn do thí sinh tự chọn trong số 5 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh không theo học hết chương trình hoặc nơi có khó khăn về điều kiện dạy học có thể được chọn môn thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn khác. Về hình thức thi, môn Toán, ngữ văn, Địa lý, Lịch sử thi tự luận; các môn khác thi trắc nghiệm, môn Ngoại ngữ có 2 phần thi trắc nghiệm và viết luận.

Công bố Dự thảo này của Bộ GD&ĐT đưa ra được xem là một động thái mới trong việc đổi mới cách thi cử và đánh giá trình độ của học sinh nên được dư luận đánh giá cao. Nếu một trong hai phương án trên được áp dụng thì sẽ giảm áp lực cho học sinh, đỡ gây tốn kém cho phụ huynh, học sinh. Bởi về bản chất, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT lần này là giảm bớt môn thi, ngoài các môn thi bắt buộc thì học sinh có quyền lựa chọn môn thi cho mình, còn kiến thức vẫn nằm trong hệ thống của chương trình sách giáo khoa hiện hành. Vì thế, hiện nay đã có nhiều thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh nghiêng về phương án 1.  

Cô giáo Dương Thị Thu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên):

Về Dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 mà Bộ GD&ĐT công bố chiều ngày 02/01/2014, tôi nghiêng về phương án thi tốt nghiệp 4 môn; trong đó, 2 môn bắt buộc là Văn, Toán; còn lại do thí sinh tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử).

Môn Ngoại ngữ chỉ là môn thi khuyến khích các em dự thi để được cộng điểm thì phương án này sẽ giảm áp lực cho học sinh và đỡ tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Tuy nhiên, cũng có hạn chế như tạo nên tình trạng học sinh học lệch ngay từ đầu cấp nếu như Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng chưa đổi mới kịp thời.

Chị Đồng Thị Thiên Nga - phụ huynh học sinh Trường THPT Chu Văn An:

Tôi đồng tình với phương án 1, bởi phương án này giúp học sinh có định hướng tốt cho việc ôn thi tốt nghiệp, giảm bớt áp lực thi cử cho cả học sinh, phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa, những gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Qua đó, giúp cho học sinh được lựa chọn môn thi theo sở trường  nên tự tin hơn và có thời gian dành cho việc luyện thi đại học, cao đẳng. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có quyết định và thông báo sớm để phụ huynh và học sinh yên tâm chuẩn bị tốt tâm thế cho các kì thi năm học 2013 - 2014.

Em Nguyễn Ngọc ánh, học sinh lớp 12A, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh:

Những ngày này, chúng em rất vui mừng khi được nghe thông tin mà Bộ GD&ĐT đưa ra về Dự thảo công tác thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều bạn khác, em chọn phương án 1, bởi nếu thi 5 môn thì cũng mất nhiều thời gian, gây tốn kém.

Vì vậy, chúng em mong muốn thi ít môn nhất để dành thời gian cho việc ôn thi đại học. Nếu được, Bộ GD-ĐT cần sớm triển khai và áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay.

 Văn Tuấn

Các tin khác

Ngày 7-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan, thống nhất dự thảo danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán mới. Đáng chú ý, so với danh mục hiện hành, dự kiến danh mục mới sẽ giảm 106 hoạt chất và 139 thuốc.

Đợt không khí lạnh bổ sung vào chiều tối và đêm nay sẽ khiến Bắc Bộ chìm trong mây mù và mưa nhỏ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết.

Ảnh minh họa

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Chú trọng khâu phân tích xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm trong công tác dự phòng.

YBĐT - Năm 2013 là năm ngành y tế Yên Bái phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành y tế, Yên Bái đã cơ bản không chế tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến nhân dân…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục