Tết về nhớ quê
- Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2014 | 8:47:21 AM
YBĐT - Đã thành qui luật, cứ mỗi độ tết đến xuân về, lòng người lại nao nao nhớ về nơi mình sinh ra và lớn lên. Ở đó có bóng hình mẹ cha sớm chiều lam lũ, tảo tần trên cánh đồng, có mùi rơm rạ mùa gặt, có khói lam chiều và tiếng mõ trâu lóc cóc xuống núi.
Quê núi.
|
Và... trong khoảnh khắc thiêng liêng của đêm cuối năm, trong mùi hương trầm ngào ngạt, cháu con lại tề tựu trước ban thờ để cảm tạ đất trời, cảm tạ các bậc tổ tiên đã sinh thành, nuôi dưỡng và tạo dựng...
Tết về! Là tiếng gọi thiết tha của mỗi người con rời xa quê hương lên thành phố. Ai cũng có một quê hương, dù không phồn hoa, tráng lệ, ồn ã, hiện đại nhưng tết ở quê có sức hút ghê gớm, nó lay động, mời gọi, thúc giục mọi người trở về với nguồn cội, với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Các nhà ga, bến xe khách, người xe tấp nập ngược xuôi, ai cũng mong sao sớm được trở về nhà để vui đón tết.
Quê ở Hà Nam, ông Trinh năm nay đã 80 tuổi, mặc dù con cái đầy đủ sum vầy nhưng cứ đến tết, ông lại đề nghị cháu con đưa về quê. Ông quan niệm: “Còn sống thì phải về thăm làng, thắp hương cho cha, mẹ, tổ tiên”. Ngày xưa, nghèo khổ, cả tuổi thơ của anh em ông chỉ mong đến tết. Đêm 30, niềm vui của mấy anh em ông là được ngồi quây tròn xem mẹ nấu bánh đúc gừng. Đến bây giờ, đã gần đi hết cuộc đời, được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ nhưng ông chẳng thể nào quên được cái mùi thơm ngai ngái của bánh đúc xen lẫn tình yêu thương ấm áp của mẹ. Với ông, đó là những bữa ăn ngon nhất, đáng nhớ nhất của tuổi thơ. Vậy nên bây giờ, dù thế nào ông cũng phải về nấu nồi bánh đúc trực tiếp dâng lên cúng mẹ.
Cũng như ông Trinh, vợ chồng chị Hà đều công tác ở Hà Nội, nhưng cứ đến chiều 24 tết, anh chị lại nhanh chóng thu xếp hành lý, gửi nhà cửa cho hàng xóm để về Thái Bình ăn tết. Mặc dù ở quê nhà còn thiếu thốn đủ bề, nhưng chỉ cần được về quê, đi giữa hai hàng duối, ngửi mùi nồng nồng của ao bèo, ngắm nụ cười hiền của mẹ là chị thấy mình hạnh phúc rất nhiều. Ngày tết, gia đình chị được dịp đi thăm họ hàng đôi bên, cùng thức đêm trông nồi bánh chưng, nghe chuyện ông bà ngày xưa đi đánh đồn Tây, rồi chuyện làng xóm ngày ngày đổi thay... Chị bảo, chỉ có về quê ăn tết mới thấy lòng mình ấm hơn và quê hương chính là một sợi dây vô hình nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.
Bà Nguyễn Đào An ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cũng vậy. Mặc dù con cái ở rất xa, cậu út đang sinh sống ở Nga, nhưng cứ đến tết là chúng về với ông bà. Điều bà vui nhất là các con bà dù đã trưởng thành, đi xa miền quê nghèo, song đều biết làm những món ăn truyền thống của dân tộc như gói bánh chưng, bánh tét, muối dưa hành, củ kiệu, nấu thịt đông, cá kho, gà hấp lá chanh... Ngày tết, mỗi đứa một việc, người thì lo trầu, cau, hương hoa, người đi sắm đồ ăn thức uống... nên không khí ngày tết ở nhà bà thực sự ấm áp và hạnh phúc.
Còn với anh Long ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ thì tết về là lúc anh tạm biệt công việc phụ xây ở Hà Nội. Tất cả món tiền dành dụm sau một năm lao động ở chốn thành đô mang về đủ giúp gia đình sửa lại cái chái nhà lấy chỗ cho bọn trẻ học, xây sửa lại công trình vệ sinh và chuồng lợn, tậu một chiếc xe đạp mới để vợ đi chợ và đưa con đi học. Niềm vui ấy của anh như được lan tỏa đến cả những người hàng xóm, bạn bè, mọi người đều đến chia vui và chúc năm mới anh chị có thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Thấm thoắt rồi, mấy ngày tết cũng hết, ông Trinh lại chuẩn bị quay trở về thành phố để cùng gia đình tham gia phát triển kinh tế. Đến ngày chia tay, ông lại kính cẩn thắp hương lên ban thờ xin phép tổ tiên, cha mẹ và hẹn tết sau còn khỏe mạnh sẽ trở về. Trước ngày chị Hà cùng gia đình quay trở lại thành phố, ông bà nội, ngoại cẩn thận gói bánh chưng, ruốc, trứng, gạo nếp và đôi gà để chị mang ra thành phố. Chút quà quê nặng nghĩa ân tình ấy dù không to lớn nhưng nó cũng đủ để gia đình chị sinh hoạt đến tận ngoài rằm. Chị hiểu rằng, mỗi bước đi của chị đều có ánh mắt mẹ cha và người thân dõi theo, nên nguyện sống sao cho xứng với những gì mọi người trao gửi.
Với nhà bà An, mùng 5 tết cũng là ngày các con bà lên đường ra thành phố, ngày vui lại tạm chia xa, các con bà đều mong bố mẹ giữ gìn sức khỏe để tết sau chúng lại về quê. Dường như những gì tốt đẹp nhất của quê hương vẫn ẩn sâu trong tâm hồn ông Trinh, chị Hà, con cháu bà An và tất cả mỗi người dân đất Việt.
Tết cổ truyền không chỉ là di sản văn hóa của dân tộc, dù đất nước đang tiến mạnh trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập với thế giới, nhưng cái tết ở quê vẫn đằm sâu trong lòng mỗi người. Cuộc sống hiện đại và tiện nghi nhưng không thể thay thế được cái chân chất, mộc mạc, dung dị đã ngấm vào máu thịt của quê hương. Trong sâu thẳm mỗi người, quê hương chính là nguồn cội, là mẹ cha và trên hết là chữ “tâm đức” trong con người họ. Vậy nên, dù ở đâu, làm gì ai cũng mong đến tết để được về lại nơi chôn rau cắt rốn, để được đón nhận và yêu thương một mùa xuân nồng nàn, ấm áp tình quê!
Đào Minh
Các tin khác
Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 6 tết, Bắc Bộ trời nắng, nền nhiệt độ ở mức cao hơn hẳn so với thời kỳ này hàng năm, dự báo có thể lên đến 27 độ C vào buổi trưa…
Cần Thơ lần đầu tiên có đường hoa nghệ thuật. Đà Nẵng lung linh những đường phố trong đêm. Hà Tĩnh ấm áp với những cây nêu cổ tích...
YBĐT - Bằng tấm lòng san sẻ yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của Hội CTĐ tình và các cấp hội, Tết Giáp Ngọ 2014 đang là cái tết đầm ấm đối với mọi gia đình.
YBĐT - Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ 2014, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật và lực lượng thanh niên trong các cơ quan đang làm nhiệm vụ trực tết 2014.