"Ăn chung một tết" Thương hiệu Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/3/2014 | 10:15:48 AM

YBĐT - Cũng như đồng bào Mông cả nước, người Mông Yên Bái thường ăn tết truyền thống của dân tộc mình vào dịp cuối tháng 12 dương lịch. Việc tổ chức tết thường kéo dài cả tháng trời, làm ảnh hưởng đến mùa màng, gây lãng phí tiền của.

Vui tết chung, đồng bào Mông vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của mình. (Ảnh: Thanh Miền)
Vui tết chung, đồng bào Mông vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của mình. (Ảnh: Thanh Miền)

Năm 2013, lần đầu tiên Yên Bái tổ chức vận động đồng bào ăn chung một tết Nguyên đán và tiếp nối tết Giáp Ngọ 2014 này, cuộc vận động tiếp tục được thực hiện. Qua triển khai, giờ 100% đồng bào đã đón tết chung với khí thế hồ hởi, phấn phởi.

Không phải ngẫu nhiên  mà chúng tôi gọi cuộc vận động lớn này với cái tên "Thương hiệu Yên Bái". Trước thực trạng quá tốn kém, lãng phí cả về vật chất lẫn thời gian của  bà con, Yên Bái là tỉnh đầu tiên ( cho đến nay dường như vẫn là duy nhất) trên toàn quốc thực hiện chủ trương: vận động đồng bào Mông ăn chung tết cổ truyền của dân tộc.

Có quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương này ở cơ sở, đặc biệt là thời gian đầu vì đối với không ít người Mông, tết truyền thống của họ đã ăn sâu vào tâm thức, tư tưởng và gần như "bất di, bất dịch". Vậy làm thế nào để vận động? Làm thế nào để người Mông nghe ra, hiểu rõ lợi ích thực sự của việc ăn chung một tết? Đấy chính là những trăn trở của những cán bộ cao nhất của tỉnh đến cán bộ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Trò chuyện với chúng tôi bên lề Hội nghị sơ kết tổ chức ăn chung một tết, bà Nguyễn Thị Thanh Lam - Phó chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) khẳng định: “Cần phải “ba cùng” với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm bà con, phân tích để bà con hiểu dần lợi ích của việc ăn chung một tết, chú trọng tranh thủ phát huy vai trò, sự ủng hộ của người có uy tín”.

Cùng chung quan điểm, Phó chủ tịch xã Pá Hu (Trạm Tấu) Hà Chánh Thảo cho biết: “Đâu phải mọi công việc đều diễn ra thuận lợi khi mà tập tục vốn đã ăn sâu bao đời. Chúng tôi phải tranh thủ sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và trải qua thời gian dài gần dân, sát dân, giải thích chủ trương đúng đắn của tỉnh mới vận động được bà con hiểu và làm theo”.

Giúp vùng cao phát triển, việc loại bỏ cái lạc hậu, cái kém văn hóa dù khó đến mấy cũng phải làm. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nổi lên vai trò của trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc làm gương, vận động gia đình, anh em, dòng họ - đây chính là mấu chốt để cuộc vận động thành công.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần thực hiện thành công cuộc vận động.

Giàng A Đê (xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu) trao đổi: “Trước kia ăn 2 tết tốn kém lắm, hơn một tháng phải mổ mấy con lợn, chuẩn bị cả chục lít rượu, trẻ con thì nghỉ học cả tháng trời. Bây giờ ăn chung một tết có thời gian làm ruộng, chăm sóc được đàn trâu, bò. Hơn thế, trước ăn 2 tết hay uống rượu say nên mấy con trâu, bò có ngày không được ăn cỏ, hết tết nó gầy hơn nhiều. Giờ cái bụng người Mông mình đã hiểu phải cấy lúa xong, làm ra nhiều ngô, nhiều trâu, bò… thì ăn cái tết chung mới vui”.

Có thể nói, cuộc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết của Yên Bái là bước chuyển lớn trong nhận thức và hành động của người Mông. Điều này được ông Nguyễn Quốc Đoàn - Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương đánh giá rất cao. Ông cho biết: "Tôi thực sự cảm thấy khâm phục Yên Bái, từ chủ trương đến cách làm đã nói lên một tầm nhìn lớn. Đặc biệt, qua hiệu quả càng khẳng định sự  đúng đắn, sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, từ đó đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của đồng bào".

Ăn chung một tết - điều đó có nghĩa là vào thời điểm "tết của người Mông" hai năm gần đây, không còn nhà nào mổ  gà lợn, rượu chè đình đám. Thay vào đó, các hộ tập trung vào sản xuất. Đánh giá sơ kết 2 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, đồng chí Hoàng Đức Quế - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Cuộc vận động đồng bào dân tộc Mông ăn tết một lần vào dịp tết Nguyên đán từ năm 2013 ở tỉnh Yên Bái đã thành công tốt đẹp. Trong những năm tiếp theo, cuộc vận động sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, để đồng bào Mông cùng với các dân tộc khác chung vui đón tết với tinh thần đoàn kết, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Thiên Cầm 

Các tin khác
Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao bò cho người dân.

YBĐT - Nhằm giúp đỡ các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển chăn nuôi bò giống để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, vừa qua, Ban Quản lý Dự án Ngân hàng bò huyện Mù Cang Chải đã tổ chức trao 26 con bò cho các hộ nghèo, gia đình chính sách thuộc Dự án Ngân hàng bò năm 2013 đợt 2 cho 2 xã: Lao Chải 16 con và Khao Mang 10 con.

Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ - PCCN

YBĐT - Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCN lần thứ 16 năm 2014 có chủ đề: “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”.

Ông Lê Xuân Liêm, Trưởng ban tô chức chuyến về nguồn qua miền Tây Bắc phát biểu.

Đây là hoạt động nhằm khơi dậy hào khí Việt Nam, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại lễ phát động.

"Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc" là chủ đề của Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 được phát động ngày 16/3, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục