Văn Chấn tập trung nâng cao chất lượng trường bán trú
- Cập nhật: Thứ năm, 4/9/2014 | 3:45:08 PM
YBĐT - Huyện Văn Chấn hiện có 15 trường bán trú và có học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 22 Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Với hệ thống này, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện luôn xác định công tác quản lý, nâng cao chất lượng trường bán trú là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp GD&ĐT.
Một giờ học của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tiểu học và trung học cơ sở Suối Giàng (Văn Chấn).
|
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Phòng đã tập trung vào thực hiện đồng bộ các khâu từ lập kế hoạch đến tổ chức; chỉ đạo thực hiện cũng như kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhằm thu hút học sinh đến lớp; nâng cao tỷ lệ chuyên cần; hạn chế học sinh bỏ học; phấn đấu nâng cao chất lượng học tập trong các trường bán trú để ngang bằng với mặt bằng chung trong toàn huyện.
Cụ thể, đối với công tác tuyển sinh, Phòng đã căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ và của tỉnh về công tác xét tuyển học sinh bán trú. Trên cơ sở đó, các nhà trường lập kế hoạch xét duyệt học sinh bán trú nộp cho Phòng GD&ĐT thẩm định. Sau khi kế hoạch được thẩm định, các đơn vị trường sẽ tổ chức hội nghị phổ biến rộng rãi đến phụ huynh học sinh các quy định trong quy trình xét duyệt, tiêu chí học sinh bán trú, hướng dẫn phụ huynh và học sinh có đủ điều kiện làm hồ sơ xin xét bán trú.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, hội đồng xét duyệt của xã tiến hành xét và thông báo công khai danh sách dự kiến được xét duyệt 5 ngày trước khi sơ duyệt với Phòng GD&ĐT.
Tiếp đó, các hội đồng hoàn thiện hồ sơ, lập danh sách chính thức để Phòng GD&ĐT trình UBND huyện ra quyết định công nhận. Nhờ làm tốt công tác thẩm định và tham mưu với UBND huyện nên những năm qua, công tác xét duyệt hồ sơ học sinh vào học bán trú luôn bảo đảm đúng đối tượng không để xảy ra trường hợp nào thắc mắc hay khiếu kiện.
Đối với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, Phòng GD&ĐT chú trọng việc xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm học mới đối với các trường PTDTBT và các trường có học sinh bán trú; thực hiện tổ chức hội thảo, ký cam kết thực hiện nhiệm vụ bán trú với những yêu cầu trọng tâm là các trường phải thành lập, kiện toàn ban quản sinh ngay khi bước vào năm học mới; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức hội nghị về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú; thực hiện tốt việc chi trả chế độ chính sách cho học sinh bảo đảm đúng, đủ, kịp thời theo quy định; thực hiện tốt chế độ công khai tài chính; tính và niêm yết khẩu phần ăn từng ngày, lưu mẫu thức ăn; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ăn ở cho học sinh. Vì vậy, đến nay các trường bán trú đã xây dựng được 65 phòng ở, 415 giường nằm, 14 nhà bếp, 13 công trình vệ sinh, 12 công trình nước sạch.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT cũng khuyến khích các trường phối hợp với địa phương tạo quỹ đất để tổ chức cho học sinh tăng gia cải thiện bữa ăn hàng ngày và có những trường đã làm rất tốt như Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Lành trong năm học vừa qua đã tăng gia được trên 1 tấn rau xanh, nuôi trên 500kg lợn hơi và trên 100kg gia cầm. Phòng GD&ĐT còn làm tốt việc tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện, Hội đồng Giáo dục huyện chỉ đạo, vận động các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đỡ đầu, ủng hộ vật chất đối với các trường bán trú.
Từ sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp này, tỷ lệ chuyên cần, tỷ lệ duy trì sỹ số ngày càng cao và quy mô trường, lớp có học sinh bán trú tăng lên rõ rệt. Điển hình như năm học 2013-2014, toàn huyện có 15 trường có học sinh bán trú với gần 2 nghìn học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ, tăng 100 học sinh so với năm học trước. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên: năm học 2012 - 2013 cấp tiểu học có số học sinh khá giỏi môn Toán tăng 1,4% và học lực yếu giảm 0,7%; môn Tiếng Việt học lực khá, giỏi tăng 3,3%, yếu giảm 0,8%; cấp THCS có tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 3,2%; học lực yếu, kém ở mức 3%.
Ngoài sự tiến bộ trong học tập, các em học sinh bán trú còn được chú ý tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục và phổ biến văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, tìm hiểu lịch sử địa phương… Những hoạt động này bổ trợ rất tốt cho các môn học chính khóa và tạo nên sự sinh động trong đời sống tinh thần của học sinh, khiến cho các em càng thêm gắn bó với trường và hứng khởi thi đua học tập.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải giáp với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La - một trong những "điểm nóng" về vận chuyển trái phép chất ma túy của tỉnh Sơn La. Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhân dân yên tâm sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
YBĐT - Ở Văn Yên, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã giải quyết một khối lượng lớn thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nhanh, gọn, đơn giản, đảm bảo đầy đủ và đúng luật định, khắc phục hành vi dây dưa, kéo dài, nhũng nhiễu đối với cá nhân, tổ chức khi đến đề nghị giải quyết TTHC, từ đó đã rút ngắn, tiết kiệm được thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp.
YBĐT - Cùng với học sinh trong cả nước đón chào năm học mới, sáng ngày 4/9, thầy và trò nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã nô nức khai giảng năm học mới 2014 - 2015.
YBĐT - Vinh dự, tự hào là ngôi trường mang tên Bác, những năm qua, thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái) đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, thực hiện sáng tạo, có hiệu quả việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh giỏi. Qua đó, góp phần đưa ngôi trường trở thành nơi đào tạo có chất lượng giáo dục hàng đầu của tỉnh.