Đề xuất đổi tên thành Luật Trẻ em

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2015 | 2:17:35 PM

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), trong đó kiến nghị đổi tên thành Luật Trẻ em. Tuần tới, Chính phủ sẽ họp Phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong đó có cho ý kiến về dự án Luật này.

Đề xuất lập Ủy ban quốc gia về trẻ em

Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em. Cơ quan này nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện các quyền trẻ em.

Nhìn nhận từ quan điểm cá nhân, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết, từ khi giải thể Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đến nay, cơ chế phối hợp liên ngành của công tác trẻ em rất yếu. Trẻ em là đối tượng liên quan trong nhiều lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nhưng cơ chế để phối hợp liên ngành giữa các bộ trong thực hiện, triển khai việc tiếp nhận thông tin đa chiều về trẻ em trong cơ quan quản lý Nhà nước còn đang lỏng lẻo. Do đó, cần cơ chế hoạt động thế nào để phù hợp với điều kiện trong nước. Các đối tượng phụ nữ, thanh niên đều đã có ủy ban quốc gia, riêng trẻ em thì chưa. Để đồng bộ, nên có Uỷ ban quốc gia về trẻ em, có hoạt động tương tự như Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia hiện nay, với sự điều hành thống nhất cùng cơ chế phối hợp liên ngành.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi 2004, có những vấn đề chính liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần được nghiên cứu, sửa đổi. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) nhằm ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội.

Luật cũng bảo đảm hội nhập quốc tế, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền trẻ em, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước về quyền trẻ em.

Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) có tên mới là Luật Trẻ em gồm sáu chương, 71 điều.

So với Luật năm 2004, dự thảo mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi. Điều 1 của dự thảo Luật quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi nhằm bảo đảm phù hợp hơn với Công ước về quyền trẻ em, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013.

Việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, tạo điều kiện cho các em phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.

Thuật ngữ “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” của Luật năm 2004 được sửa đổi, bổ sung thành “trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt”, bao gồm cả nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại để phù hợp với cách tiếp cận mới của Luật, chú trọng đến giai đoạn phòng ngừa, hỗ trợ bên cạnh việc can thiệp khi trẻ em đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật năm 2004 thành 18 nhóm hành vi bị nghiêm cấm.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ nguồn lực thực hiện các quyền trẻ em nói chung và nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em nói riêng. Đây là điểm mới nhằm bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các quyền trẻ em trong mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương, ngành; ưu tiên phân bổ nguồn lực hằng năm, bố trí nhân lực cho công tác bảo vệ trẻ em và trợ giúp trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt ở các cấp.

Dự thảo Luật quy định chức năng, nhiệm vụ của hệ thống bảo vệ trẻ em; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, tức là chia theo ba cấp độ. Việc quản lý trường hợp trong công tác xã hội đối với trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị xâm hại được quy phạm hóa quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương.

Dự thảo Luật có quy định toàn diện về chăm sóc thay thế, nhằm bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình, hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Nội dung về chăm sóc thay thế hướng đến mục tiêu trẻ em được chăm sóc trong môi trường gia đình. Biện pháp đưa trẻ em vào các cơ sở bảo trợ xã hội chỉ là biện pháp cuối cùng khi không tìm được gia đình thay thế cho các em.

Bà Lan cũng cho biết, hiện vẫn còn ba vấn đề lớn có ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo đang được xin ý kiến của Chính phủ. Đó là: tên gọi của dự án Luật, về độ tuổi của trẻ em, trẻ em là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, quy định cụ thể về Uỷ ban quốc gia về trẻ em.

Tiến sĩ Yoshimi Nishino, Trưởng Chương trình chính sách xã hội và quản trị của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, đánh giá cao quá trình sửa Luật Trẻ em, thể hiện sự cởi mở và minh bạch hơn, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị, cơ quan liên quan. Luật Trẻ em cần hướng tới việc sửa đổi nhằm giải quyết tốt các vấn đề bất bình đẳng ở trẻ em, thông qua bảo đảm cho trẻ em yếu thế và gia đình các em được Nhà nước hỗ trợ để có thể giải quyết các rủi ro khác nhau. Điều quan trọng là bảo đảm sử dụng các nguồn lực cho trẻ em một cách hiệu quả và công bằng, cũng như hệ thống bảo vệ trẻ em vận hành tốt nhằm giải quyết các trường hợp vi phạm quyền trẻ em ngay tại cộng đồng.

Chú trọng hơn vai trò của gia đình

Giáo  sưu, tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội băn khoăn khi dự thảo Luật rất chú trọng tới vai trò của Nhà nước, nhưng chưa quan tâm tới vai trò của gia đình.

Ông nhấn mạnh, trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em ở Việt Nam, vai trò của gia đình luôn là số một; và “Dự thảo Luật đề cập vai trò của gia đình mờ nhạt quá”.

Ông dẫn chứng,Chương 5 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình cá nhân trong thực hiện các quyền trẻ em, nhưng vị trí của gia đình bị xếp dưới hàng chục cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Nội dung trách nhiệm của gia đình cũng bị các nhà soạn thảo xem nhẹ. Điều 64 gộp trách nhiệm của cha mẹ, thành viên gia đình của trẻ em với trách nhiệm của các cá nhân khác trong xã hội.

Giáo sư Thuyết nêu rõ, trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và bảo đảm quyền phát triển, quyền tham gia của trẻ em, gia đình đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Luật Trẻ em cần quy định cụ thể, đầy đủ hơn về trách nhiệm của gia đình, trước hết là trách nhiệm của cha mẹ, như cha mẹ bắt buộc phải tham dự các lớp học về chăm sóc thai nhi, nuôi dạy trẻ. Cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, và vi phạm pháp luật của con mình, hoặc của trẻ em mà mình là người giám hộ, người chăm sóc thay thế.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia Nguyễn Đức Mạnh (Viện Dân số, gia đình và trẻ em) cho rằng, nên quy định hẳn một chương về vai trò của gia đình chứ không chỉ là đối tượng thứ 16 như trong dự thảo Luật. Quy định như hiện nay quá quan trọng đến vấn đề giáo dục phổ quát, trong khi chính gia đình mới giúp hình thành nhân cách cho trẻ em nên người.

Ngày 27 và 28-7 tới, sẽ có phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ, trong đó có cho ý kiến về dự án Luật này. Sau khi có ý kiến của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 vào năm sau.

                                                                        (Theo NDĐT)

Các tin khác
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đoàn công tác hát vang Quốc ca, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sáng 23/7, trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã hát vang Quốc ca, tưởng nhớ người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Mưa sẽ kéo dài liên tục từ chiều tối 23/7 tới ngày 27/7 ở miền Bắc. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ lũ quét ở các tỉnh vùng núi là rất lớn.

Nhiều thí sinh tự do đến nộp đơn phúc khảo sáng nay tại Phòng tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM.

Ngay sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia 2015, thí sinh có nhu cầu phúc khảo kết quả điểm thi có thể làm đơn xin phúc khảo.

Báo cáo duyệt án với lãnh đạo Viện trước khi tham gia kiểm sát giải quyết vụ án dân sự tại phiên tòa.

YBĐT - Những năm qua, phong trào thi đua yên nước trong ngành kiểm sát tỉnh Yên Bái diễn ra hết sức sôi nổi; mỗi cán bộ, nhân viên trong ngành không ngừng rèn luyện, phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tư cách, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục