Điểm sàn đại học cao hơn mọi năm vì kết quả làm bài của thí sinh tốt
- Cập nhật: Thứ tư, 29/7/2015 | 8:16:02 AM
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga trong cuộc trao đổi với phóng viên về mức điểm sàn mới được Bộ công bố.
|
Chiều 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố mức điểm sàn. Mức điểm này đối với các tổ hợp đại học (ĐH) là 15 điểm và đối với các tổ hợp cao đẳng (CĐ) là 12 điểm. Điểm sàn này không tính hệ số 3 môn và chưa tính điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Như vậy là mức điểm sàn này cao hơn so với mọi năm.
Trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã giữ mức điểm sàn ổn định, ít biến động, dao động xung quanh mốc 13-14 điểm, tương đương trung bình mỗi môn đạt trên 4 điểm là đỗ vào đại học. Còn năm nay, mức điểm này đã được nâng lên là 15 điểm với trường ĐH và 12 điểm với CĐ.
Xung quanh mức điểm sàn mới công bố, phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
- Thưa Thứ trưởng, từ năm 2008-2014, mức điểm sàn của các khối thi thường giữ ổn định ở mức 13-14 điểm. Vì sao năm nay, điểm sàn lại tăng lên 15 điểm? Liệu có phải chúng ta ra đề dễ và thí sinh được điểm cao?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Những năm trước, chúng ta thực hiện kỳ thi 3 chung, đề thi đã phân loại thí sinh thi ĐH, CĐ và mức độ khó tương tự như nhau. Vì vậy, mức điểm sàn những năm thi 3 chung thường dao động từ 13-14 điểm và nhiều năm liền ổn định như vậy. Năm nay, chúng ta thay đổi cấu trúc đề thi, đề thi có 60% cơ bản nên kết quả làm bài của thí sinh năm nay tốt hơn so với mọi năm. Vì vậy, khi xét ngưỡng chất lượng đầu vào, căn cứ vào kết quả làm bài của thí sinh và các tiêu chí khác để quyết định ngưỡng phù hợp.
Riêng đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi địa phương, kết quả thi của các em vẫn có thể sử dụng để xét tuyển vào hơn 100 trường ĐH tự chủ về tuyển sinh. Những thí sinh này có nằm trong đối tượng phải chịu sự giới hạn của điểm sàn hay không?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được xét ở đây chỉ liên quan đến những thí sinh thi kỳ thi THPT Quốc gia ở các cụm thi ĐH và ở các trường sử dụng kết quả của các cụm thi này để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
- Thứ trưởng có lưu ý gì với các thí sinh khi các em chuẩn bị bước vào thời gian chính thức xét tuyển?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Sau khi Bộ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường sẽ thực hiện quy trình xét tuyển. Các trường sẽ công bố ngưỡng nhận hồ sơ dựa trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ công bố.
Trước hết, thí sinh cần căn cứ vào ngưỡng đảm bảo, ngưỡng nhận hồ sơ các trường để các em nộp hồ sơ. Trong quá trình xét tuyển, các em cần theo dõi diễn biến của nộp hồ sơ, kết quả nộp hồ sơ các trường để quyết định nên để hồ sơ hay rút hồ sơ để cơ hội trúng tuyển cao hơn.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!
(Theo VTV)
Các tin khác
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến chiều tối 28-7, mưa lớn đã gây ngập lụt nặng ở các địa phương như: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô.
YBĐT- Ngày 28/7, Sở Công thương phối hợp với Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Yên Bái tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho cán bộ quản lý và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
YBĐT - Cứ vào dịp tết hay lúc giáp hạt, hộ nghèo thiếu đói, hộ bị thiên tai, tai nạn rủi ro hay hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... luôn được hưởng chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Đây là sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đến với người nghèo, giúp cho những đối tượng này vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.
Tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa cho biết, kể từ ngày 31/7/2015, Cục Quản lý Dược và Sở Y tế các tỉnh, thành phố sẽ ra văn bản thu hồi toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm, thu hồi Phiếu tiếp nhận công bố đối với các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa 5 dẫn chất Paraben gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben, Pentylparaben.