Thứ trưởng Giáo dục giải thích về chương trình giáo dục phổ thông mới
- Cập nhật: Thứ năm, 6/8/2015 | 2:03:41 PM
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện hơn về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
|
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) gồm chương trình GDPT tổng thể (gọi tắt là chương trình tổng thể) và các chương trình (CT) môn học. Lần này Bộ GD-ĐT xây dựng Dự thảo CT tổng thể, xin góp ý rộng rãi trước khi hoàn thiện và ban hành chính thức để làm căn cứ xây dựng các CT môn học.
- Thưa Thứ trưởng, chương trình GDPT mới có kế thừa những gì từ chương trình hiện hành hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kế thừa là một nguyên tắc và cũng là một trong các cơ sở khoa học quan trọng để thiết kế CT GDPT mới. Vậy sẽ kế thừa những gì? Tôi xin đưa nêu lên một số điểm của CT GDPT hiện hành được kế thừa trong CT GDPT mới.
Về mục tiêu GDPT: CTGD mới tiếp tục mục tiêu giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”; hài hòa về thể chất và tinh thần; chú trọng các yêu cầu học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội...
Về nội dung giáo dục: CT GDPT mới tiếp tục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại; bảo đảm yêu cầu cơ bản, hiện đại, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi của HS các cấp học.
Nhìn chung hệ thống các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học của CT hiện hành được kế thừa từ tên gọi đến nội dung các mạch kiến thức lớn, thời lượng cho các môn học. Kiến thức cơ bản của tất cả các môn học ở bậc phổ thông, nhất là một số môn học truyền thống của Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng và hiệu quả (được chứng tỏ qua các kỳ đánh giá quốc gia và quốc tế) đều được kế thừa trong CTGD mới, chỉ bớt đi những kiến thức quá chuyên sâu, chưa hoặc không phù hợp với yêu cầu học vấn phổ thông và tâm –sinh lý lứa tuổi, không phục vụ nhiều cho việc phát triển phẩm chất và năng lực.
Nội dung các hoạt động giáo dục của CT hiện hành cũng được kế thừa trong Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của CTGD mới như chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn đội, hoạt động ngoài giờ lên lớp v.v…
Về phương pháp dạy học: Phương pháp dạy học của CT mới thể hiện rõ tính kế thừa ở chủ trương: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh… Tất cả các phương pháp dạy học truyền thống và hiện hành đều được kế thừa trong CTGD mới với một tinh thần và định hướng mới. Đó là vận dụng linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các PPGD phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh và đều tập trung hình thành, phát triển năng lực người học.
Về thi, kiểm tra - đánh giá: Tính kế thừa thể hiện ở chỗ dù mục tiêu kiểm tra đánh giá hướng tới năng lực và phẩm chất nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở hệ thống kiến thức, kĩ năng cơ bản thông qua các môn học và hoạt động giáo dục. Các hình thức và công cụ đánh giá như kiểm tra miệng, kiểm tra viết, câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận, đề theo hướng mở, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ,… đều được kế thừa trong CTGD mới, kết hợp và bổ sung thêm những hình thức và công cụ mới nhằm đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của HS.
Về quy trình xây dựng CT: CT GDPT mới tiếp thu và kế thừa tất cả các ưu điểm về quy trình phát triển CT GDPT trước đây, từ việc đánh giá và xác định nhu cầu đổi mới; tiến hành các nghiên cứu cơ bản, đề xuất các căn cứ khoa học cho đến đề xuất các định hướng đổi mới… Bảo đảm các bước thiết kế CT phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Quy trình xây dựng từ dự thảo CT, xin ý kiến công luận đến tiếp thu, sửa chữa, thẩm định và phê duyệt… đều kế thừa kinh nghiệm của lần đổi mới CT năm 2000.
- Vậy mục tiêu chung của CT GDPT và mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học (tiểu học, THCS, THPT) có gì mới không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Mục tiêu chung của CT GDPT mới có điểm kế thừa mục tiêu chung của CT GDPT truyền thống, thể hiện ở định hướng: Tiếp tục mục tiêu giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”, hài hòa về thể chất và tinh thần…
Mục tiêu của CT GDPT hiện hành chưa chú trọng yêu cầu phát triển năng lực và phát triển tiềm năng riêng của mỗi học sinh. Mục tiêu của CT GDPT mới nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lực, chú ý phát huy tiềm năng vốn có của mỗi HS, chú ý phát triển cả con người xã hội và con người cá nhân. Đó chính là đổi mới căn bản trong CT GDPT.
Ngoài ra CT mới còn cụ thể hóa mục tiêu giáo dục thành hệ thống phẩm chất và năng lực cần đạt với những biểu hiện cụ thể theo từng cấp học. Đây là điểm mới mà các CTGD lần trước chưa có.
Mục tiêu cả 3 cấp học trong CT GDPT mới đều có phát triển so với mục tiêu từng cấp học của CT GDPT hiện hành. Ví dụ: Giáo dục tiểu học nhằm giúp HS hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kĩ năng cơ bản để HS tiếp tục học lên THCS. Trong CT GDPT mới, mục tiêu giáo dục tiểu học không chỉ chú ý “chuẩn bị cho học sinh những cơ sở ban đầu của việc hình thành và phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học THCS”, mà còn chú ý yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực và nhấn mạnh “định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt”.
Mục tiêu GD cấp THCS của CT mới cũng có những điểm mới. Cụ thể là: không chỉ nhằm giúp HS củng cố, phát triển các kết quả giáo dục (đạt được về phẩm chất và năng lực) ở tiểu học mà còn xác định cụ thể định hướng giáo dục HS biết: “tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng”. Mục tiêu mới này đã xác định rõ tính chất và yêu cầu vừa tiếp nối kết quả của GD tiểu học, vừa kết thúc giai đoạn GD cơ bản và là cầu nối cho các giai đoạn tiếp theo. Theo CT hiện hành cấp THPT mới đặt ra mục tiêu “hoàn thiện học vấn phổ thông”còn CT mới đã đặt ra khi kết thúc THCS.
CT giáo dục cấp THPT hiện hành ngoài mục tiêu củng cố và phát huy kết quả của giáo dục THCS, còn giúp HS “có những hiểu biết thông thường về kĩ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực cá nhân”. Mục tiêu CT mới còn cụ thể hóa định hướng giáo dục: “giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc…; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân…”. Đây chính là điểm mới quan trọng so với mục tiêu GD cấp THPT hiện hành.
- Một trong mấu chốt của việc đổi mới lần này đó là CT GDPT xây dựng theo hướng phát triển năng lực. Vậy nó có gì khác với CT GDPT hiện hành và các CT GDPT trước?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Từ trước đến nay, kể cả CT hiện hành, về cơ bản vẫn là CT tiếp cận nội dung. Theo cách tiếp cận nội dung, CT thường chỉ nêu ra một danh mục đề tài, chủ đề của một lĩnh vực/môn học nào đó cần dạy và học. Tức là tập trung xác định và trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh biết cái gì? Nên chạy theo khối lượng kiến thức, ít chú ý dạy cách học, nhu cầu, hứng thú của người học…
CT mới chuyển sang cách tiếp cận năng lực, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đó là là cách tiếp cận nêu rõ học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường. Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi HS nắm vững những kiến thức, kĩ năng cơ bản nhưng còn chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực hành, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống; tính chất và kết quả hoạt động cũng phụ thuộc rất nhiều vào hứng thú, niềm tin, đạo đức… của người học nên CT cũng rất chú trọng đến mục tiêu phát triển các phẩm chất của học sinh; phát triển các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung mà mọi học sinh đều cần có, đồng thời phát triển các phẩm chất và năng lực riêng của từng em; tập trung vào việc dạy và học như thế nào.
Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận này sẽ chi phối và bắt buộc tất cả các khâu của quá trình dạy học thay đổi: nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử; cách thức quản lý và thực hiện… nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Rất nhiều người đang vây quanh đống lửa trại thì ngọn lửa bốc cháy lớn, khiến 75 người bị bỏng phải đưa đi cấp cứu.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Toán học trẻ quốc tế 2015 đã xuất sắc đạt được thành tích cao nhất trong tất cả các đoàn tham dự.
Chiều 5/8, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, ngoài kiến thức, học sinh sẽ được đào tạo nhiều phẩm chất, năng lực mới cũng như được chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống. Đáng chú ý, ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn môn học, định hướng nghề nghiệp ngay tại bậc THPT.
YBĐT - Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Văn Chấn đã hoàn thành và giữ vững phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi (PCGDMNNT) từ năm 2013 đến nay. Đồng thời, Văn Chấn trở thành một trong những địa phương về đích sớm trong PCGDMNNT.