Phát huy vai trò nòng cốt trong kế thừa và phát triển y học cổ truyền phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2015 | 2:59:17 PM
YBĐT - Chỉ tính riêng năm 2014, đã có khoảng 150 ngàn lượt người được KCB và điều trị bằng thuốc y học cổ truyền, chiếm khoảng 15% tổng số người được khám chữa bệnh toàn tỉnh.
Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc vì sự phát triển nền đông y và Hội Đông y Việt Nam.
|
>>Các kỳ đại hội Hội Đông y tỉnh Yên Bái
>>Bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở Cảm Ân
>>Yên Bái bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm
>>Phát huy giá trị y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
Yên Bái là một tỉnh có truyền thống về y học cổ truyền, có tổ chức Hội Đông y (HĐY) hình thành sớm nhất so với các tỉnh miền núi Bắc bộ. Sau 54 năm (1961 - 2015) xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các cấp, ngành, những năm qua, HĐY tỉnh đã kiên trì, bền bỉ, từng bước phát triển, trưởng thành; phát huy mọi nguồn lực gắn hoạt động Hội với thực hiện nhiệm vụ nhà nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân.
Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, cán bộ, hội viên HĐY luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, từng bước xây dựng, củng cố phát triển hội viên mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động Hội.
Với 7 cán bộ chuyên trách trong cơ quan Văn phòng Tỉnh hội, khối lượng công việc nhiều, phải thường xuyên chỉ đạo hoạt động Hội ở 9/9 huyện, thị, thành phố và ba chi hội trực thuộc Tỉnh hội, nhưng Tỉnh hội đã phân công, sắp xếp công việc hợp lý để cán bộ làm tốt chuyên môn. Một người có thể kiêm nhiệm nhiều việc nên số lượng cán bộ ít nhưng công việc vẫn trôi chảy, không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, Tỉnh hội luôn coi trọng và phát huy hết khả năng của cán bộ HĐY cấp huyện, thị và chi hội cơ sở. Với đặc thù công việc ở huyện hội hiện tại chưa có biên chế cho cán bộ HĐY, nên người làm công tác hội đều là cán bộ lãnh đạo, nhân viên y tế kiêm nhiệm.
Công tác hội cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, hạn chế thời gian, kinh phí, nên lãnh đạo các huyện hội đều phải kết hợp công tác hội với hoạt động chuyên môn của ngành y tế, để có thời gian cũng như những điều kiện thực hiện công tác hội được thường xuyên liên tục.
Nhờ phát huy hết khả năng trong sử dụng nguồn nhân lực nên chất lượng hoạt động hội ngày càng được nâng lên. Đến nay, HĐY tỉnh có 112 chi hội cơ sở với 1.584 hội viên. Với tổ chức hội viên đông y hoạt động ở 9/9 huyện thị, Hội đã tuyên truyền vận động hội viên phát huy thế mạnh của một hội chuyên môn về CSSK bằng y học cổ truyền (YHCT).
Tiến sỹ Đào Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh khóa XI tham gia trồng cây thuốc mùa xuân cùng các hội viên.
Công tác chuyên môn, đã tập trung chỉ đạo cơ sở nâng cao chất lượng chuyên môn, kế thừa kinh nghiệm YHCT và phát triển trồng và sử dụng thuốc nam tại cộng đồng. Thực hiện Quyết định 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng chỉ tiêu khám chữa bệnh (KCB) bằng đông y ở tuyến xã, phường và phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 30%.
Để đạt được chỉ tiêu này, không thể không kể đến sự đóng góp của hội viên đông y, những ông lang, bà mế tham gia KCB tại phòng chẩn trị lồng ghép ở cơ sở xã, phường đã duy trì hoạt động hiệu quả.
Nhiều phương pháp chữa bệnh dùng thuốc và không dùng thuốc đã được các cấp hội và hội viên áp dụng KCB ngày càng hiệu quả, được nhân dân tín nhiệm.
Chỉ tính riêng năm 2014, đã có khoảng 150 ngàn lượt người được KCB và điều trị bằng thuốc YHCT, chiếm khoảng 15% tổng số người được KCB toàn tỉnh. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến sử dụng cây thuốc nam đã được Hội triển khai rộng khắp.
Đặc biệt, phong trào trồng cây thuốc đầu xuân đã trở thành hoạt động được tất cả các cấp hội hưởng ứng. Công tác tuyên truyền về phát triển, bảo tồn, khai thác bền vững cây thuốc được triển khai với nhiều hình thức như: thông qua các phương tiện tuyền thông đại chúng; truyền thông qua giao lưu văn nghệ; truyền thông ngoại khóa tại trường học dưới hình thức thi trả lời câu hỏi...
Phát huy lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh nuôi, trồng và phát triển các loại dược liệu quý, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc có nhiều bài thuốc gia truyền, có khả năng đem lại hiệu quả cao trong chữa bệnh, HĐY đã tận dụng mọi nguồn lực để phát triển và bảo tồn cây thuốc, bài thuốc dân tộc góp phần cải thiện sinh kế cho người dân.
Trong thời gian qua, HĐY đã tăng cường quan hệ hợp tác, đối ngoại, tranh thủ nguồn kinh phí được tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế để triển khai các đề tài, dự án nhằm phát triển, bảo tồn cây thuốc, bài thuốc nam bản địa có giá trị.
Chỉ tính riêng 5 năm qua, HĐY đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) triển khai 2 dự án về phát triển cây thuốc và thừa kế ứng dụng bài thuốc nam bản địa tại huyện Yên Bình do tổ chức CORDAID (Hà Lan) và tổ chức Caritas Úc tài trợ.
Dự án đã đạt hiệu quả cao trong việc bảo tồn các loài cây thuốc quý như: ba kích, đinh lăng, đồng thời đã cung cấp hàng trăm ngàn cây thuốc giống có giá trị gây trồng tại địa phương như: lá khôi, củ dòm, hoàng tinh hoa trắng… góp phần cải thiện 20% nguồn thu nhập gia đình từ trồng cây thuốc cho người dân vùng dự án. Bài thuốc nam chữa bệnh sỏi đường tiết niệu của bà Vũ Thị Hồng Ngát xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình đã được Sở Y tế công nhận là bài thuốc gia truyền.
HĐY đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và CSSK cộng đồng Yên Bái triển khai hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc: hoài sơn, sơn tra tại ba dự án thực hiện tại huyện Mù Cang Chải.
Ngoài ra, còn phối hợp với các đơn vị: Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển lâm nghiệp, triển khai thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và tiến hành nhiều cuộc điều tra, khảo sát và ứng dụng một số kỹ thuật mới trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thuốc.
Việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hội viên cũng luôn được HĐY chú trọng. Với nguồn kinh phí từ các hoạt động đào tạo, tập huấn của dự án, từ học viên đóng góp, từ đề án hỗ trợ tuyên truyền phổ biến kiến thức của Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật tỉnh, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Bác sỹ Trần Quốc Toàn hướng dẫn đồng bào Mông xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải trồng cây dược liệu.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động đào tạo bồi dưỡng của HĐY đã có những kết quả thật ấn tượng với 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn 4 tháng cho 43 hội viên; 160 lớp tập huấn về cách trồng, thu hái, chế biến và bảo quản các loại cây thuốc nam bản địa; 10 khóa tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh và tiếp cận sản phẩm cây thuốc nam; 2 khóa tập huấn cho cán bộ Tỉnh hội về thuốc đông y và bảo vệ môi trường tại Hàn Quốc và Malaysia.
Hội còn tổ chức 4 khóa tham quan học tập kinh nghiệp thực tế cho người dân và hội viên đông y tại tỉnh Quảng Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình và Trường Đại học Lâm nghiệp; 12 buổi hội thảo tâm đắc cây thuốc bài thuốc; 5 khóa tập huấn nghiệp vụ công tác hội; 7 khóa hướng dẫn luyện tập khí công dưỡng sinh miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn thành phố Yên Bái…
Thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, trình độ cán bộ chuyên trách làm công tác HĐY ngày một nâng cao, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc trồng, thu hái và bảo quản nguồn dược liệu địa phương. Cán bộ có thêm kỹ năng trong việc lập kế hoạch kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, thúc đẩy tổ chức hoạt động tổ, nhóm, góp phần quản lý và thực hiện hoạt động HĐY tốt hơn.
Với những kết quả đã đạt được trong hoạt động công tác hội, HĐY tỉnh Yên Bái nhiều năm liền được tặng bằng khen, tặng cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, Trung ương HĐY Việt Nam về phong trào nuôi, trồng và sử dụng thuốc nam, châm cứu.
Văn phòng Tỉnh hội 5 năm liên tục được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, cá nhân cán bộ Tỉnh hội và hội viên được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp vì có thành tích trong lĩnh vực YHCT phục vụ CSSK nhân dân.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, HĐY tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng kế hoạch công tác cho nhiệm kỳ tới, với nhiệm vụ trọng tâm là: bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương và Chương trình hành động 61/CTr-TU ngày 02/12/2008 của Tỉnh uỷ Yên Bái về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và HĐY Việt Nam trong tình hình mới”
Hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động số 111/KH-UBND ngày 21/10/2013 của UBND tỉnh Yên Bái về phát triển YDHCT Việt Nam đến năm 2020.
Đồng thời mở rộng tuyên truyền phổ biến việc trồng, sử dụng thuốc nam, đẩy mạnh điều tra, thừa kế, ứng dụng và bảo tồn cây thuốc, bài thuốc dân tộc; chú trọng phát triển hoạt động Hội trên cả ba phương diện: tổ chức, chuyên môn và nâng cao năng lực cán bộ; tăng cường vai trò của HĐY trong tình hình mới, để HĐY xứng đáng với vai trò nòng cốt trong kế thừa và phát triển YDHCT phục vụ CSSK nhân dân.
Tiến sỹ Đào Thị Ngọc Lan
Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Ngày 11/12, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chữ thập đỏ năm 2015; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2016.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có nguồn cây thuốc tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại; đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau.
YBĐT - Trung bình mỗi năm có trên 12.000 đến 300.000 lượt người được khám tại các phòng chẩn trị lồng ghép và 1.600 đến 5.000 lượt người được các ông lang, bà mế thăm khám.
YBĐT - Năm 2015, tổng doanh thu bình quân hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Đông An, huyện Văn Yên đã đạt trên 33 tỷ đồng (tăng 22 tỷ đồng so với năm 2010).