Trạm Tấu nâng cao chất lượng giáo dục
- Cập nhật: Thứ hai, 11/4/2016 | 2:56:30 PM
YBĐT - Là một trong 64 huyện nghèo nhất nước, trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, theo đó, công tác giáo dục và đào tạo (GDĐT) ở huyện Trạm Tấu còn rất nhiều gian nan. Song, những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó coi trọng việc phát triển hệ thống trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và giáo viên các bậc học... Từ đó, dần nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện vùng cao này.
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Lan, xã Hát Lừu (Trạm Tấu).
|
Với địa bàn trải rộng, nhiều điểm lẻ không tập trung, dẫn tới những khó khăn trong công tác quản lý, kéo theo là cơ sở vật chất không có điều kiện được đầu tư đồng bộ; điều kiện dân trí, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc quan tâm tới việc học hành của con cái còn hạn chế...
Để nâng cao chất lượng giáo dục, trong nhiều năm qua, giải pháp đầu tiên được Trạm Tấu chú trọng thực hiện là duy trì và phát triển các loại hình trường, lớp học, đặc biệt là hệ thống trường học theo mô hình bán trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu phổ cập giáo dục các cấp theo kế hoạch đã đề ra.
Trong tổng số 29 trường từ bậc học mầm non tới THCS trên địa bàn thì có 10 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS. 100% số trường PTDTBT được chuyển đổi từ năm học 2011 - 2012 đều thuộc 10 xã vùng cao khó khăn, điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Xà Hồ cho biết: “Nhờ có mô hình bán trú đã thu hút được học sinh tới trường, tỷ lệ chuyên cần ngày càng cao, từ đó chất lượng giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt. Ngoài các hoạt động giáo dục chính khóa, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa rèn kỹ năng sống, tuyên truyền an toàn giao thông, các câu lạc bộ măng non... Nếu không thể tập trung học sinh thì các trường ở vùng cao khó có thể tổ chức được các hoạt động ngoại khóa”.
Bên cạnh đó, huyện coi trọng phát triển quy mô giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đầu vào ở các cấp học, ngành học và tiến hành thực hiện thí điểm mô hình giáo dục theo hướng chất lượng cao. Năm học 2015 - 2016, toàn huyện có 393 lớp với 10.137 học sinh.
Theo đó, đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục tại các đơn vị trường vùng khó khăn, vùng có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng so với các trường trung tâm; huyện đặc biệt, quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Các phong trào khuyến học, khuyến tài, mô hình gia đình, dòng họ hiếu học được nhân rộng. Nhờ đó, chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên, quy mô trường, lớp học tiếp tục phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng.
Đến nay, toàn huyện có 444 phòng học và phòng ở cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên, trong đó, có 196 phòng kiên cố, 39 phòng bán kiên cố và 209 phòng học tạm. So với cùng kì năm trước, tăng 196 phòng. Bên cạnh thu hút đầu tư cơ sở vật chất, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, năm học 2015 - 2016, Phòng GDĐT huyện đã chỉ đạo 100% các đơn vị trường thực hiện tốt hội giảng. Tiếp đó, Phòng đã tổ chức thành công Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện các bậc học và triển lãm đồ dùng đồ chơi tự tạo bậc học mầm non.
Sau Hội thi, toàn huyện có 116 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 13/13 trường mầm non tham gia triển lãm đồ dùng đồ chơi. Cùng với đó, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện nghiêm túc phân phối chương trình đối với các cấp học; tổ chức tốt hoạt động giảng dạy và tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp để thu hút học sinh tới trường.
Bà Lê Thị Huệ - Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Trạm Tấu cho biết: “Để nâng cao chất lượng giáo dục của huyện, trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu các cấp lãnh đạo để tiếp tục đầu tư, làm tốt phối hợp huy động nhân dân, nguồn xã hội hóa giúp các nhà trường tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất, huy động các nguồn hỗ trợ cho các trường. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phụ huynh học sinh, chỉ đạo các trường có các giải pháp nâng cao giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và tăng cường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm thu hút học sinh tới trường”. Cùng với đó, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện được thực hiện theo đúng lộ trình. Đến nay, toàn huyện có 7 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia với 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học và 1 trường THCS.
Nhờ có những giải pháp đúng, sát với điều kiện thực tế nên kết quả huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp hàng năm của Trạm Tấu đạt 99% trở lên; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm theo từng năm học; 99,9% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học; 100% học sinh THCS được công nhận tốt nghiệp.
Đặc biệt, số học sinh đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi các cấp đã tăng. Riêng năm học 2014 - 2015, toàn huyện có 34 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 25 em tham gia thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và có 9 em đạt giải... Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của ngành giáo dục và chính quyền ở một địa phương còn nhiều khó khăn như Trạm Tấu.
Những kết quả này đã khẳng định hiệu quả của việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong GDĐT. Đồng thời, khẳng định huyện đã từng bước thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Minh Tư
Các tin khác
YBĐT - Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) đã có những công bố chính thức về những điều chỉnh của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia. Theo đó, tỉnh Yên Bái cũng đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Trong tuần này, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trùng vào thứ 7 (16/4). Do vậy, người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày thứ 2 của tuần kế tiếp, tức ngày 18/4.
YBĐT - Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên tổ chức Đại hội phụ nữ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với sự tham dự của 80 đại biểu chính thức đại diện cho cán bộ, hội viên trong toàn xã.
“Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người. Đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm (…). Nhiệm vụ quan trọng của tôi là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì lúc đó mới thắng lợi, còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn là thất bại”.