Hoạt động bảo vệ môi trường phải dựa vào nhân dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2016 | 2:13:53 PM
Đó là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong phát biểu chỉ đạo buổi họp Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai các chương trình hoạt động giai đoạn 2016 – 2020 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 15-4 tại Hà Nội.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại buổi họp.
|
Tham dự có lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo cao cấp của 14 tôn giáo trên cả nước; lãnh đạo Bộ trưởng Bộ TN-MT và ông Eivind Archer, Giám đốc tổ chức Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam).
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có tới 88% dân số ở 1.600 thành phố trên toàn thế giới phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng, thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp và các trọng bệnh khác. Theo nghiên cứu của các chuyên gia môi trường quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong, thiệt hại 1,9 tỷ USD.
Với mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc các tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với thành phần gồm: đại diện lãnh đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi tr ường, chức sắc của 14 tôn giáo, đại diện tổ chức NCA tại Việt Nam và Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, hoạt động bảo vệ môi trường trước hết phải dựa vào nhân dân, phải để người dân nhận thức được lợi ích của việc bảo vệ môi trường thì chương trình mới thực sự hiệu quả. Nước ta có nhiều tôn giáo, vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần căn cứ vào đặc thù, điều kiện sinh hoạt, tập quán của từng tôn giáo, từng địa phương để xác định nhiệm vụ, phương án cụ thể thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện linh hoạt, chú trọng đến việc tạo điều kiện, môi trường để tín đồ của các tôn giáo phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng sự đồng lòng, nhất trí trong việc thực hiện các nội dung, giải pháp để tạo được sức mạnh chung.
Để công việc bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng tôn giáo và người dân các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; biên soạn, cung cấp tài liệu về môi trường, biến đổi khí hậu và thực trạng về ô nhiễm môi trường; xây dựng năng lực tự ứng phó của các cộng đồng tôn giáo và người dân, tự giúp nhau trong các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở các địa bàn dân cư…
Đối với trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, chức sắc của 40 tổ chức tôn giáo trên cả nước tiếp tục phát huy tối đa vai trò định hướng hành vi bảo vệ môi trường cho người dân tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động thực hiện và giám sát việc thực hiện việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại đây, lãnh đạo 14 tôn giáo đều thể hiện quyết tâm cao, cam kết chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Hòa Thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên -Huế và các vị chức sắc tôn giáo đều cho rằng, chưa bao giờ tác động của BĐKH trở lên rõ ràng, khắc nghiệt như hiện nay. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải giáo dục, tăng cường nhận thức của từng người dân trong bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, các tôn giáo đều đồng tình với việc phối hợp để khảo sát, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm của đồng bào tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH. Thực tế, hiện nay nhiều tôn giáo đã có các mô hình tốt, ví dụ câu lạc bộ xanh-sạch ở các chùa; nhiều nơi thường xuyên đưa vấn đề sống xanh vào các buổi giảng thuyết giáo lý.
Ông Eivind Archer, Giám đốc tổ chức Tổ chức Bắc Âu đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH cũng như sự chung tay của mặt trận, các tổ chức tôn giáo. “Nếu Việt Nam thực hiện thành công chương trình phối hợp này thì rất xứng đáng là sáng kiến cấp toàn cầu trong ứng phó với BĐKH”, ông nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, để chương trình phối hợp thành công, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo cấp trên, nếu không sáng tạo và sự dấn thân của những người dân ở cơ sở sẽ giảm hiệu quả. Tổ chức Bắc Âu cam kết sẽ hỗ trợ các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực này, nhất là trong nâng cao nhận thức và hình thành năng lực tự giúp nhau trong các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở địa bàn dân cư.
Tân Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà: Thế giới hiện nay đã nhận ra rằng, sau một thời gian phát triển lâu dài, với những mô hình phát triển truyền thống, dựa trên nền kinh tế thị trường, toàn cầu đã xảy ra những thách thức, thậm chí là thảm họa: đó chính là vấn đề thảm họa môi trường, BĐKH. Chính vì vậy, cả thế giới đã cam kết cùng nhau ứng phó với BĐKH, mở ra những thay đổi về suy nghĩ hành động để hướng tới thiên niên kỷ mới, trong đó cần có sự đối xử hài hòa, công bằng của con người với thiên nhiên. Việt Nam đã xác định chuyển hướng mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, đã có chiến lược bảo vệ môi trường, tôn trọng quy luật phát triển của tự nhiên, thay đổi hành vi của con người với tự nhiên. Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của mặt trận, của các tôn giáo luôn đồng hành cũng dân tộc. Nhân dân luôn sáng tạo, vì vậy có niềm tin rất lớn là chương trình phối hợp này sẽ thành công. Bộ TN-MT cam kết cung cấp đủ tài liệu, cơ chế để nâng cao hiểu biết của nhân dân về luật pháp bảo vệ môi trường cũng như ứng phó với BĐKH, mối quan hệ nhân quả giữa con người và tự nhiên, về đạo đức của con người trong chấp hành luật pháp bảo vệ môi trường. Điều đầu tiên là thay đổi nhận thức, không có nhận thức đúng thì không có hành động đúng. Cùng với đó sẽ có quỹ để nhân rộng các mô hình cũng như thưởng các tổ chức cá nhân có thành tích trong bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. |
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Chiều ngày 14/4, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị phối hợp tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 2 (19/10/1946-19/10/2016) và các ngày lễ lớn năm 2016.
YBĐT - “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP)” năm 2016 tiếp tục thực hiện chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.
YBĐT - Xác định thiết lập kỷ cương trật tự đô thị (TTĐT) là yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị phát triển văn minh bền vững, năm 2016, thành phố Yên Bái lựa chọn chủ đề là “Thiết lập kỷ cương văn minh đô thị (VMĐT), đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút các nguồn lực đầu tư” để thực hiện.
YBĐT - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định từ ngày 1/1/2016, cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất.