Nhập viện tăng khi thời tiết chuyển mùa
- Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2016 | 9:41:07 AM
YBĐT - Cuối tháng 3, trời lúc nắng, lúc mưa, khi nóng, khi lạnh, khốn khổ nhất là những đợt nồm ẩm… Thời tiết chuyển mùa không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh mà gây ra nhiều bệnh tật. Người già, trẻ em nhập viện với đủ các loại bệnh, khiến các bệnh viện quá tải.
Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
|
Chờ khám tại Phòng khám số 1, cô Nguyễn Thị Thắng nhà ở phường Hồng Hà cho biết: “Thời tiết sợ quá thôi! Tôi ho rút cổ từ tuần trước, cố mãi để chăm nhà tôi và hai đứa cháu nội bị cúm, sốt, đang điều trị ở đây, giờ không thể chịu được nữa đành cùng nhập viện điều trị một thể! Khổ thân đứa con dâu, vừa ốm dậy, nốt thủy đậu còn chưa lành, giờ phải cố mà chăm cả nhà”.
Tôi quan sát quanh cô Thắng, người mặt đỏ phừng phừng, người đang cố thở vì lên cơn hen; mấy người lên xin khám bệnh và cấp thuốc vì viêm họng nặng, riêng ông Nguyễn Mạnh Hùng nhà ở phường Nguyễn Thái Học phải nhập viện để khâu vết thương vì nền nhà trơn trượt do trời nồm khiến ông trượt ngã.
Bệnh nhân mỗi lúc một đông thêm khiến Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái càng chật chội, các y bác sỹ phải làm việc hết công suất. Tính đến thời điểm 14 giờ ngày 11/4/2016 Khoa Khám bệnh đã tiếp đón 227 bệnh nhân, tuy chưa phải là ngày khám kỷ lục nhất nhưng cũng đủ khiến các thầy thuốc bơ phờ vì mệt.
Điều dưỡng Hoàng Thị Thúy Hằng cho biết: “227 chưa phải là con số cuối cùng! Từ giờ đến tối, chắc chắn có thêm từ 30 đến 40 bệnh nhân nữa. Bác sỹ và điều dưỡng làm việc căng lắm, nhưng phải cố thôi, rất mong bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chia sẻ với chúng tôi”.
Số bệnh nhân đến khám và điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 đã khá đông, nhưng chẳng thấm tháp gì so với Bệnh viện Đa khoa tỉnh - tuyến điều trị cuối ở địa phương. Đang có sự đổi mới, nâng cao chất lượng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và đội ngũ cán bộ nên số người bệnh chọn Bệnh viện này làm nơi khám và điều trị vốn đã đông, thời tiết chuyển mùa, bệnh tật bùng phát, số bệnh nhân vào viện lại càng đông hơn.
Bác sỹ Cao Ngọc Thắng - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái thông tin nhanh: “Thời điểm hiện tại, số bệnh nhân tăng từ 27% đến 35% so với cùng kỳ năm trước; trung bình mỗi ngày Bệnh viện đón tiếp trên dưới 500 bệnh nhân. Khoa Nội A-B vẫn là khoa có sự quá tải lớn nhất (vượt 37% so với chỉ tiêu, kế hoạch). Để khắc phục tình trạng quá tải, Khoa đã kê thêm 30 giường bệnh để đảm bảo mỗi bệnh nhân có đủ một giường, không phải nằm ghép. Còn khoa Khám bệnh đã phải bố trí thêm 2 bàn khám (đưa tổng số bàn khám lên con số 11), vậy mà buổi sáng người vẫn đông nghẹt. Toàn viện đã thực hiện làm sớm 30 phút (tức từ 7 giờ sáng) để các bác sỹ có thêm thời gian”.
Mặc dù Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn đang cố gắng hết sức để chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng theo quan sát của chúng tôi do quá tải, do kê thêm gường bệnh và do có quá nhiều người nhà bệnh nhân được tự do vào phòng bệnh nên đã tạo ra sự chật chội, nhếch nhác, thậm chí là hôi hám tại các phòng bệnh.
Đến thăm người nhà đang điều trị tại Khoa Nội A-B, anh Lê Duy Phúc ở Yên Bình nói: “Tình trạng buồng bệnh bí bách, nhất là khu nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân hôi hám thế này thì người khỏe vào viện còn thấy khó chịu, huống hồ người đau yếu, bệnh tật. Rất mong tình hình được cải thiện, đặc biệt là Dự án Bệnh viện 500 giường sớm hoàn thành và đi vào sử dụng để người dân bớt khổ”.
Theo đánh giá sơ bộ của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mô hình bệnh tật thời gian này chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp và các bệnh tai biến, huyết áp cao; ở trẻ em phổ biến nhất là viêm phổi.
Phòng khám tại các bệnh viện luôn trong tình trạng đông nghẹt người.
Thạc sỹ, bác sỹ Hồ Hữu Hóa - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái cho biết: “Thời tiết chuyển mùa, lúc nóng, lúc lạnh thường xuất hiện một số dịch bệnh thông thường, trong đó cảm cúm là bệnh dễ mắc nhất. Bệnh cảm cúm do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy giảm, khiến virus cúm dễ xâm nhập cơ thể, gây bệnh. Cảm cúm thông thường là nhiễm virus đường hô hấp trên, mũi và cổ họng. Các triệu chứng thường xuất hiện khoảng 1 - 3 ngày sau khi tiếp xúc với một vi rút cảm cúm. Các dấu hiệu và triệu chứng của cảm cúm thông thường có thể bao gồm: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; ngứa hoặc đau họng; ho; xung huyết mắt; cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ; hắt hơi; chảy nước mắt; sốt mức độ thấp (lên đến 39oC); mệt mỏi... Tiếp đó là các bệnh đau mắt đỏ, đau xương khớp, dị ứng da, suy tim, viêm xoang và mùa này thức ăn dễ bị ôi thiu nên nhiều người mắc tiêu chảy”.
Để phòng tránh bệnh dịch khi chuyển mùa, các thầy thuốc đưa ra lời khuyên: hạn chế tới mức thấp nhất việc tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn để lâu, có dấu hiệu ôi thiu. Tiêm vắc - xin phòng bệnh (đối với các bệnh có vắc - xin phòng). Bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, nhà cửa; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Vì bệnh dịch khi thời tiết chuyển mùa nên các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, các thầy thuốc đang phải làm việc quá sức.
Để giải quyết tình trạng này chỉ có một biện pháp hiệu quả đó là, người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh tật, nâng cao thể trạng và sức đề kháng, có kiến thức để phòng chống một số bệnh thông thường.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bái đã tiến hành bảo tồn trên 30 di sản văn hóa phi vật thể đồng thời bảo tồn một số làng cổ dân tộc thiểu số.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản đã mở 3 đường dây nóng (+81) 80 3590 9136, (+81) 80 3984 6668 và (+81) 80 3904 0198 để tiếp nhận những thông tin liên quan đến tình hình công dân Việt Nam nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khẩn cấp.
Chiều và đêm nay (17/4), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ.
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Văn bản số 1610/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc miễn kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, có 137 học sinh tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2016 không phải thi THPT quốc gia năm 2016.