Yên Bái: Tích cực di dân ra khỏi vùng thiên tai

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/8/2016 | 9:38:13 AM

YBĐT - Yên Bái đã xây dựng 15 dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai; đến hết năm 2015 đã có khoảng 1.385 hộ dân vùng thiên tai, sạt lở, lũ quét được bố trí đến nơi ở mới đảm bảo ổn định cuộc sống.

Bản Lìm Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.
Bản Lìm Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.

Yên Bái thường không nằm trong tâm bão, mắt bão nhưng lại là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh nên thường xảy ra giông lốc, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống... bất ngờ. Theo điều tra, khảo sát, thống kê đến năm 2015 toàn tỉnh có trên 3.000 hộ dân có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất cần phải di dời đến nơi an toàn. Giai đoạn 2015 - 2020 cần di dời đến các khu tái định cư và nơi ở mới an toàn trên 972 hộ dân. Di dời đến nơi ở mới là giải pháp tốt nhất bảo vệ an toàn và ổn định cuộc sống người dân, nhất là trong mùa mưa lũ này.

Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cũng như ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững cho người dân luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo và đã có những việc làm, hành động cụ thể. Hàng loạt các khu tái định cư được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ dân thuộc diện di dời đến “an cư”. Không chỉ có vậy, người dân đến nơi ở mới còn được hỗ trợ kỹ thuật, sản xuất và đào tạo nghề khi có nhu cầu.

Theo đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Yên Bái đã xây dựng 15 dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai; đến hết năm 2015 đã có khoảng 1.385 hộ dân vùng thiên tai, sạt lở, lũ quét được bố trí đến nơi ở mới đảm bảo ổn định cuộc sống. Năm 2014 và năm 2015 đã có 376 hộ dân vùng thiên tai được bố trí đến nơi ở mới (ở nơi dân cư tập trung 108 hộ, xen ghép 266 hộ, ổn định tại chỗ 2 hộ).

Tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án bố trí dân cư trên 162 tỷ đồng, đã xây dựng cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện: bê tông hoá 9,1 km đường giao thông, san lấp mặt bằng 10,8 ha, lắp 3 trạm biến áp và kéo 6,126 km đường dây trung và hạ thế, xây dựng 3 công trình cấp nước tập trung, 3 hệ thống thoát nước và hàng chục bể chứa nước, giếng nước, cầu nông thôn. Có thể nói, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Quan trọng hơn là đã góp phần ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn; đặc biệt, đối với các vùng thiên tai cao, tạo tiền đề cho các xã đặc biệt khó khăn có bước phát triển xóa đói giảm nghèo nhanh bền vững; tăng cường đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Số hộ di dời đã tránh được những thiệt hại về người và của khi mùa bão lũ về, hạn chế di dân tự do, hạn chế phá rừng, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh được củng cố. Xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng, giúp các hộ nông dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội, bước đầu đã có cuộc sống ổn định, sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển.

Ông Lý Văn Phúc ở thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn phấn khởi cho biết: “Trước đây, cứ vào mùa mưa bão, người dân chúng tôi sống trong hoang mang sợ hãi. Biết là rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản bởi địa hình miền núi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ập đến bất cứ lúc nào nhưng phần lớn người dân khó khăn về kinh tế “lực bất tòng tâm”.

Nhưng từ khi được di dời đến khu tái định cư, đêm chúng tôi ngủ ngon giấc hơn không còn lo bão lũ nữa, đi lại an toàn hơn, tiếp cận cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước...”.

Cũng chung niềm vui như gia đình ông Phúc, chị Giàng Thị Di nằm trong Dự án di dân tái định cư thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn xúc động cho biết: “Từ khi di dân về khu tái định cư, cuộc sống của gia đình thuận lợi hơn nhiều, con cái đi học gần trường hơn lại không phải trèo đèo, lội suối, khi ốm đau đến trạm y tế gần hơn và không còn nỗi lo sạt lở đất nữa. Không chỉ có vậy, khi chuyển về đây, gia đình còn nhận được tiền hỗ trợ di chuyển nhà cửa, đất làm nhà, đất canh tác cũ được giữ nguyên, nhờ vậy, cuộc sống gia đình giờ rất ổn định”.

Niềm vui có cuộc sống an bình của người dân vùng lũ, vùng thiên tai cũng là niềm vui chung của các cấp chính quyền Yên Bái. Tất cả đều hướng đến cho người dân một cuộc sống mới, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Số hộ dân sống, sản xuất trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống còn nhiều. Theo số liệu rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2015 - 2020 còn 972 hộ dân trong vùng thiên tai cần được di chuyển để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án đã xây dựng, đang xây dựng và dự án đã được phê duyệt, đẩy nhanh thi công đưa vào sử dụng; thực hiện quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư, hình thành cụm dân cư tập trung để tạo lập vùng chuyên canh sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Lực lượng tự vệ Công ty cổ phần Cao su Yên Bái huấn luyện kỹ thuật bắn súng.

YBĐT - Thành phố Yên Bái có 80 đầu mối cơ sở dân quân, tự vệ (DQTV), chiếm trên 1/4 số lượng cơ sở DQTV trong toàn tỉnh.

YBĐT - Với sự nhiệt tình, chu đáo của các giảng viên, sự thích thú và tích cực của trẻ, chỉ một thời gian ngắn, 100% các em đều thành thạo kỹ năng bơi trườn sấp, một số em còn thể hiện rõ năng khiếu bơi lội. Niềm vui lớn nhất càng thể hiện rõ với các bậc phụ huynh.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện kiểm tra thẻ BHYT cấp cho đối tượng người dân tộc thiểu số. Ảnh MQ

YBĐT - Đến hết tháng 6 năm 2016, huyện Lục Yên đã cấp 108.738 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện đạt 96,5% dân số, vượt 1,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư làm đường giao thông tại xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải).

YBĐT - 6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc với tổng kinh phí 188 tỷ 270 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục