Công bố phương án thi 2017: Thi theo tổ hợp, tăng trắc nghiệm
- Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2016 | 12:16:24 PM
16g ngày 28-9, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) sẽ họp báo công bố phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2017. Tuổi Trẻ sẽ tường thuật trực tuyến cuộc họp này. Mời bạn đọc đón xem!
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
|
Hôm nay 28-9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017. Trao đổi với phóng viên báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
- Để hoàn thiện phương án thi/tuyển sinh 2017, Bộ đã tổ chức họp thảo luận với đại diện các sở GD-ĐT, đại diện các trường ĐH, CĐ, trường THPT, họp với chuyên gia các bộ môn thi, đồng thời tiếp nhận góp ý của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, các hội chuyên ngành và ý kiến rộng rãi của dư luận.
Bài thi theo tổ hợp
* Giải pháp nào đảm bảo công bằng giữa các thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH theo các tổ hợp khác nhau, thưa ông?
- Lần đầu tiên chúng ta áp dụng bài thi theo hình thức tổ hợp - một bài thi có nhiều môn thành phần. Để đảm bảo công bằng, bộ sẽ có quy định để không có tình trạng thí sinh sử dụng thời gian dành cho ba môn thi của bài thi tổ hợp, để làm chỉ một môn thi phục vụ cho xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo đó, mỗi môn thi thành phần sẽ có thời gian làm bài cố định, hết giờ làm bài môn này thì thí sinh phải nộp lại để chuyển sang làm bài thi môn khác.
Đồng thời, điểm liệt được quy định đối với từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Các trường cũng sẽ phải quy định chỉ tiêu xét tuyển cho từng tổ hợp và lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp.
Ngoài ra, Bộ thấy cần tăng thêm số lượng các câu hỏi của mỗi môn thi thành phần, để tăng tính phân loại. Thời gian dành cho mỗi môn thi thành phần cũng sẽ tăng lên tương ứng với số câu hỏi, so với dự thảo phương án đã công bố. Tuy vậy, kỳ thi vẫn được giữ tổ chức trong hai ngày.
* Bộ có lo ngại phát sinh tình trạng luyện thi tràn lan như nhiều ý kiến cảnh báo, khi đa số bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm?
- Kế hoạch thi trắc nghiệm đã được bộ đề ra từ năm 2007. Từ đó đến nay, nhiều năm liền việc triển khai thi trắc nghiệm đã được áp dụng cho bốn môn thi: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Năm 2010, Bộ đã ban hành công văn hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra, có hướng dẫn biên soạn đề trắc nghiệm khách quan (trong đó có môn toán).
Từ năm học 2010-2011 đến nay, trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, Bộ đều yêu cầu các sở GD-ĐT hướng dẫn giáo viên các trường THPT, khi ra đề kiểm tra cần kết hợp hình thức tự luận và hình thức trắc nghiệm.
Vì vậy, việc ra đề và thi, kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm không phải là vấn đề mới đối với giáo viên và học sinh. Năm 2013, Bộ đã giao cho ĐHQG Hà Nội thực hiện thi đánh giá năng lực, hoàn toàn bằng trắc nghiệm khách quan để tuyển sinh ĐH.
Ba năm nay, kỳ thi đã thu hút hàng trăm nghìn lượt thí sinh dự thi. Do đó, thí sinh đã có kinh nghiệm về làm bài thi trắc nghiệm.
Bộ cũng đã nhấn mạnh rất rõ trong phương án thi/tuyển sinh năm 2017 là nội dung kiến thức thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Điều đó có nghĩa thí sinh chỉ cần ôn tập tốt nội dung chương trình đã học là có thể làm tốt bài thi, không cần phải học thêm, luyện thi.
Môn Toán: thi trắc nghiệm hoàn toàn
* Hội Toán học Việt Nam đã kiến nghị tạm dừng thi trắc nghiệm môn toán. Còn một số chuyên gia lại đề xuất giải pháp dung hòa, kết hợp vừa tự luận, vừa trắc nghiệm... Vậy đâu là quyết định cuối cùng với hình thức thi môn Toán?
- Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là vừa lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Yêu cầu của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá kiến thức tổng quát của thí sinh, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đơn giản, để phân loại tương đối thí sinh: tốt nghiệp hay không tốt nghiệp, đủ trình độ học ĐH hay không đủ trình độ học ĐH.
Đề thi vì thế sẽ được thiết kế gồm có phần cơ bản để thí sinh làm hết phần này có thể đỗ tốt nghiệp THPT và có phần phân hóa phục vụ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Phần lớn các trường ĐH có thể dựa vào sự phân hóa này để tuyển sinh.
Riêng những trường có yêu cầu cao về một bộ môn nào đó, có thể tổ chức đánh giá năng lực đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhằm lựa chọn được những thí sinh phù hợp nhất.
Vì đây không phải là kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt môn toán, mà tổ chức thi cho số đông, đồng thời để đơn giản hóa việc tổ chức và tăng độ tin cậy của kết quả thi, việc thiết kế bài thi môn Toán hoàn toàn bằng trắc nghiệm là phù hợp.
* Nhiều chuyên gia băn khoăn về việc năm trước bộ kết hợp thi trắc nghiệm và tự luận ở môn Ngoại ngữ, nhưng năm 2017 lại đưa Ngoại ngữ về thi theo hình thức trắc nghiệm. Bộ lý giải thế nào về điều này?
- Với môn Ngoại ngữ, hình thức thi lý tưởng là làm sao kiểm tra tất cả các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói trực tiếp. Tuy nhiên, việc tổ chức thi như vậy không khả thi với kỳ thi có đến hàng triệu thí sinh tham dự.
Ở đề thi trắc nghiệm, nếu được thiết kế tốt vẫn có thể kiểm tra gián tiếp các kỹ năng ngoại ngữ của thí sinh, chứ không chỉ kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu. Ngoài ra, hình thức thi trắc nghiệm còn làm tăng tính khách quan và độ tin cậy của kết quả thi, do bài thi được chấm hoàn toàn bằng máy.
Thí sinh có trải qua hai kỳ thi?
* Do nhiều trường ĐH cần thêm một căn cứ khác, có độ phân hóa cao hơn để xét tuyển, nên để vào ĐH, thí sinh lại phải trải qua hai kỳ thi như trước kia. Vậy kỳ thi “hai trong một” mà Bộ thực hiện hai năm qua không còn ý nghĩa?
- Theo phương án thi/tuyển sinh năm 2017, mỗi địa phương chỉ có một cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì. Bộ điều động một số ít giảng viên ĐH về địa phương hỗ trợ công tác tổ chức thi.
Kèm theo đó, Bộ sẽ sử dụng hàng rào kỹ thuật để tăng tính khách quan và độ tin cậy của kỳ thi: thi trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề riêng, kết quả làm bài được chấm bằng máy (trừ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận).
Theo đó, sẽ loại trừ được những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi, nâng cao độ tin cậy của kết quả thi.
Với cách tổ chức như vậy, chắc chắn phần lớn các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả này để xét tuyển và đa số thí sinh sẽ không cần phải dự thi thêm một kỳ thi tuyển sinh ĐH.
Tháng 10 công bố đề minh họa, cuối năm 2016 công bố quy chế thi Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở các nội dung phương án thi/tuyển sinh chính thức, bộ sẽ bổ sung, sửa đổi quy chế thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 để công bố vào cuối năm 2016. Cũng trên cơ sở phương án chính thức này, trong khoảng đầu tháng 10 bộ sẽ công bố đề thi minh họa các bài thi/môn thi để giáo viên, học sinh tham khảo. |
(Theo TTO)
Các tin khác
YBĐT -Đã có trên 500 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng/ năm.
Bộ Y tế vừa xây dựng Dự thảo Thông tư dự kiến từ đầu năm 2017 sẽ điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế.
Trao đổi với phóng viên báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, hiện tổ công tác của Bộ đang rà soát, điều chỉnh các ý kiến góp ý về phương án thi THPT quốc gia 2017, dự kiến ngày 28/9 sẽ công bố chính thức phương án thi này.