Tân Phượng: Bảo vệ rừng gắn với nâng cao đời sống nhân dân
- Cập nhật: Thứ tư, 30/11/2016 | 3:47:22 PM
YBĐT - Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng (BVR), tăng cường tuần tra, kiểm soát và tích cực phát triển rừng sản xuất bằng các cây lâm nghiệp có giá trị… đó là những việc làm cụ thể mà chính quyền, nhân dân xã Tân Phượng (Lục Yên) đã và đang triển khai để bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống của nhân dân.
Lực lượng kiểm lâm huyện Lục Yên tuyên truyền cho đồng bào Dao xã Tân Phượng tích cực bảo vệ rừng.
(Ảnh: Đình Tứ)
|
Nếu ai đã từng đến Tân Phượng thì chắc hẳn đều ấn tượng bởi mảnh đất, con người nơi đây. Ngoài nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao thì Tân Phượng còn có những dãy núi trùng điệp với thảm thực vật phong phú, đa dạng cùng những cây gỗ lớn hàng trăm năm tuổi.
Tôi nhớ, có lần Chủ tịch UBND xã Triệu Tiến Tiên từng nói: “Người Dao ở đây tuy đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ luôn BVR như bảo vệ tính mạng của mình. Dân bảo vệ, phát triển rừng và rừng mang lại nguồn sống cho họ”.
Có lẽ chính vì vậy mà nhiều năm qua trên 2.600 ha rừng ở Tân Phượng đã được nhân dân tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ. Ông Triệu Tiến Tiên cho biết: “Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định sản xuất nông - lâm nghiệp chính là chìa khóa giúp dân thoát nghèo, nâng cao đời sống. Do vậy, ngoài đẩy mạnh thâm canh trên diện tích đất lúa 2 vụ, xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ trên diện tích rừng được giao khoán”.
Theo đó, Tân Phượng phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không chặt, phá rừng, không phát nương làm rẫy trái phép. Ngoài việc phổ biến, tuyên truyền các quy định trong bảo vệ, phát triển rừng tại các cuộc họp từ cấp xã đến thôn, bản hay đoàn thể thì hệ thống loa phát thanh xã cũng là kênh thường xuyên nhắc nhở, vận động người dân tích cực trồng, chăm sóc, BVR.
Để công tác BVR được triển khai hiệu quả, xã Tân Phượng thành lập 5 tổ quản lý và BVR tại các thôn, bản với thành viên gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng đoàn thể và đông đảo bà con nhân dân.
Các tổ này thường xuyên tổ chức họp, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và tổ chức các buổi tuần tra, kiểm tra trên khu vực rừng được giao khoán. Bên cạnh đó, Tân Phượng đã thành lập Ban Lâm nghiệp xã thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý BVR trên địa bàn.
Đối với diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, chính quyền địa phương đã tiến hành giao khoán cho từng hộ dân, nhóm hộ bảo vệ, trông coi... Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân từng bước được nâng cao, số vụ xâm phạm, phá hoại rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm dần theo từng năm...
Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng mà người dân đã có thêm thu nhập, giảm nghèo và ổn định đời sống. Theo báo cáo của UBND xã, năm 2015, toàn xã đã thực hiện chi trả tiền giao khoán BVR cho các hộ dân với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, đối với diện tích rừng sản xuất, hàng năm, Tân Phượng phối hợp với các cơ quan nông nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ…
Năm 2016, xã trồng mới gần 40 ha rừng, trong đó chủ yếu là cây quế với trên 21 ha, cây bồ đề gần 5 ha, cây xoan, mỡ trên 5 ha và cây tre, mai 6,7 ha. Nhờ làm tốt công tác trồng, chăm sóc và BVR tỷ lệ che phủ của rừng ở đây ngày một nâng lên, đặc biệt từ đây người dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm luật quản lý BVR trên địa bàn đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Việc phối hợp với lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên, liên tục hơn. Những vụ vi phạm trên địa bàn đều bị xử lý nghiêm minh, rõ ràng, do vậy ý thức của người dân nâng lên rõ rệt.
Hùng Cường
Các tin khác
Tọa đàm về lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và lập danh mục văn bản quy định chi tiết
YBĐT - Ngày 30/11, Sở Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và lập danh mục văn bản quy định chi tiết. Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo, chuyên viên một số sở, ban, ngành của tỉnh và cán bộ UBND, phòng Tư pháp các huyện, thị, thành phố.
YBĐT - Đại hội đại biểu Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2016 - 2021) vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Cù Đức Đua - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội NCT Việt Nam, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT Yên Bái về việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt công tác Hội nhiệm kỳ (2016 - 2021) trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Vừa tròn 6 tuổi, cô bé người Mông - Giàng Thị Dở ở xã Bản Mù (Trạm Tấu) đã chứng kiến bao bất hạnh ập đến với gia đình mình. Mẹ mất sớm vì bạo bệnh. Chỉ ít lâu sau, cha cũng mắc bệnh nan y. Gánh nặng 13 miệng ăn đè nặng lên vai người cha.
YBĐT - Yên Bái có 14 trường tiểu học và 16 trường THCS tham gia mô hình trường học mới (VNEN) – một mô hình được khẳng định là mô hình giáo dục hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của giáo dục Việt Nam nói riêng và giáo dục thế giới nói chung. Dù được đánh giá có hiệu quả khá tốt song các địa phương trong tỉnh Yên Bái cũng cùng tình trạng “nơi tiếp tục, nơi muốn dừng”…