Dòng họ Giàng hiếu học
- Cập nhật: Thứ ba, 17/1/2017 | 2:11:41 PM
YBĐT - Vượt qua bao khó khăn, nhiều năm qua, dòng họ Giàng - dòng họ dân tộc Mông, xã Suối Giàng đã trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện Văn Chấn.
Từ tinh thần hiếu học của dòng họ Giàng, các em gái dân tộc Mông ở xã Suối Giàng giờ đây đã được đến trường học hành.
|
Suối Giàng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, xã có 8 thôn bản, 667 hộ, 3.371 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm 98%. Trên địa bàn xã có 9 dòng họ sinh sống, trong đó dòng họ Giàng không phải là dòng họ lớn nhất trong xã, nhưng lại là dòng họ đầu tiên đến cư trú tại đây.
Ông Giàng A Đằng - Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của dòng họ cho biết: “Hiện nay dòng họ có tổng số 97 hộ, 583 nhân khẩu, cư trú tại các thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng. Quy ước dòng họ thống nhất, tất cả mọi người phải chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương, thôn bản, dòng họ; đoàn kết trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, tránh xa các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội nơi cư trú; cố gắng vươn lên trong cuộc sống, làm việc gì cũng phải tuân thủ pháp luật, trẻ em được đi học và được quan tâm chu đáo, kịp thời".
Được biết, để giúp con em trong dòng họ được đến trường, dòng họ đã vận động các gia đình góp sức xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài, mỗi hộ gia đình đóng góp từ 50.000 - 100.000 đồng/ năm để hỗ trợ con em có hoàn cảnh khó khăn.
Bởi có nhận thức đúng đắn về học hành nên dù những năm trước đây, khi phong trào giáo dục của xã Suối Giàng chưa phát triển, nhận thức của người dân hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn, nhưng con em dòng họ Giàng luôn được đến trường, đến lớp.
Và nhiều người con của dòng họ đã biết chữ, theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, tốt nghiệp và trở về làm cán bộ tại quê hương. Không chỉ là tấm gương cho các dòng họ trong xã noi theo, họ Giàng còn là dòng họ tiên phong xóa bỏ tư tưởng lạc hậu “trọng nam, khinh nữ.
Đã có thời, người dân ở Suối Giàng mang nặng tư tưởng coi thường phụ nữ nên việc con gái Mông theo học cái chữ là điều không thể. Thế nhưng, họ Giàng đã xóa bỏ suy nghĩ lạc hậu đó bằng việc cho con gái đến trường. Trường hợp đầu tiên là Giàng Thị Nhà. Chị Nhà theo học tại Trường Tiểu học Suối Giàng khi đó cả trường chỉ có 30 học sinh theo học, không có học sinh nữ.
Nhưng với sự động viên của gia đình, dòng họ và nỗ lực của bản thân, chị Nhà đã theo học và tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật nông lâm rồi trung cấp lý luận chính trị - hành chính và hiện là cán bộ của xã. Đây được coi là mốc lịch sử quan trọng thể hiện sự quyết tâm của họ Giàng và chính quyền xã trong việc thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ, để đến nay tất cả các em gái người Mông ở Suối Giàng đã được đến trường học hành.
Tấm lòng hiếu học và mạch nguồn khát khao kiến thức, mong cái chữ xóa đi đói nghèo truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thôi thúc con cháu họ Giàng thi đua học tập và đã “truyền lửa” cho phong trào học tập toàn xã. Dòng họ Giàng cùng các dòng họ khác như: họ Vàng, họ Mùa, họ Sổng, họ Lờ, họ Tráng, họ Sùng… cùng nhau đoàn kết, xây dựng nên tổ chức Hội khuyến học các cấp từ xã đến thôn, bản phát triển vững mạnh. Góp phần cùng chính quyền, nhân dân và ngành giáo dục địa phương thực hiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học năm 2004, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2005 và đặc biệt dòng họ Giàng đã trở thành dòng họ học tập tiêu biểu của tỉnh.
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - Với quan niệm lợn cắp nách không ăn thức ăn công nghiệp nên là “lợn sạch”, vì vậy, nhiều người tìm mua lợn cắp nách về liên hoan, trong đó có món khoái khẩu nhất là món tiết canh.
YBĐT - Ngày 17/1, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh đã kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ tới thăm và nói chuyện tại Đại hội thi đua yêu nước các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước (12/1/1967 – 12/1/2017); tổng kết công tác Hội năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.
YBĐT - Bằng việc bàn bạc dân chủ, công khai, tạo sự thống nhất về nhận thức để người dân thấy rõ lợi ích đi đôi với nghĩa vụ xây dựng nông thôn mới là vì dân của lãnh đạo địa phương nên người dân xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên rất đồng tình ủng hộ.
YBĐT - Ngày 16/1, được sự uỷ quyền của Ủy ban Dân tộc, đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái do đồng chí Giàng A Câu - Trưởng ban làm trưởng đoàn đã đến trao quà của Ủy ban Dân tộc cho các gia đình chính sách, người nghèo, người có uy tín... tại các xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, huyện Văn Yên và xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên.