Nơi bệnh nhân suy thận đặt niềm tin
- Cập nhật: Thứ hai, 19/6/2017 | 11:10:25 AM
YBĐT - Năm 2008, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đã liên kết xây dựng Đề án xã hội hóa Trung tâm thận nhân tạo. Đây cũng là cơ sở chạy thận nhân tạo đầu tiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.
|
Yên Bái là một tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn lực cho y tế hạn chế, vì vậy, những năm trước đây cả tỉnh không có cơ sở y tế nào trên địa bàn thực hiện chạy thận nhân tạo (CTNT), những người không may bị bệnh suy thận đều phải về Hà Nội hoặc các địa phương có hệ thống chạy thận nhân tạo để điều trị, gây tốn kém về kinh tế cho gia đình và cho xã hội.
Trước nhu cầu CTNT của bệnh nhân trên địa bàn tỉnh rất lớn, với chủ chương xã hội hóa công tác y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, năm 2008, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đã liên kết xây dựng Đề án xã hội hóa Trung tâm thận nhân tạo. Đây cũng là cơ sở CTNT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái trực thuộc tại Khoa Nội - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái lúc bấy giờ.
Bằng nguồn lực xã hội hóa, Trung tâm Y tế thành phố đã được đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật khá đầy đủ và đồng bộ với 05 máy chạy thận, (hiện nay lên tới 10 máy chạy thận và 01 máy siêu lọc); đặc biệt, Trung tâm đã liên tục cử cán bộ y, bác sỹ đi đào tạo tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội cũng như tập huấn, học tập kinh nghiệm tại nhiều bệnh viện lớn trong nước.
Đến nay, Trung tâm CTNT của Viện đã có 7 cán bộ đã được đào tạo chuyên sâu và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bệnh lý nội thận và CTNT theo quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây được coi là một dịch vụ chất lượng cao về điều trị suy thận bằng phương pháp lọc máu chu kỳ trên địa bàn thành phố.
Là cán bộ được phân công về làm việc tại Trung tâm chạy thận từ ngày đầu thành lập, điều dưỡng Trần Thị Hồng Nga lật lại từng trang nhật ký của mình rồi cho biết: “Khi thành lập, Trung tâm chỉ có 4 bệnh nhân, rồi số lượng bệnh nhân tăng dần, lúc nhiều nhất lên tới 70 bệnh nhân chạy thận chu kỳ, rất nhiều người đã duy trì chạy thận tại Trung tâm từ ngày thành lập đến nay”. Thống kê cho thấy, hiện đang có 44 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, 9 năm qua Trung tâm đã thực hiện 54.852 ca lọc máu an toàn.
Là một trong 4 người điều trị CTNT đầu tiên tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái, bệnh nhân Nguyễn Quang Hợp, 49 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình tâm sự: “Tôi bị suy thận từ năm 2002 phải điều trị CTNT tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi đợt đi điều trị thường có 1 - 2 người nhà đi theo, kèm theo chi phí đi lại, thuê nhà trọ nên rất tốn kém; năm 2008, biết tin Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái thực hiện việc CTNT, tôi mừng lắm và chuyển luôn về đây điều trị.
Mọi người đều thấy, Trung tâm có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ thầy thuốc nhiệt tình, trình độ chuyên môn giỏi, chưa hề xảy ra một tai biến nào. Có cơ sở này, những bệnh nhân như tôi còn được gần gũi gia đình, được vợ con chăm sóc, đặc biệt là giảm bớt gánh nặng kinh tế”.
Bệnh nhân Lương Bá Hoàng, 25 tuổi, ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên thì tâm sự: “Em còn trẻ, chắc sẽ còn gắn bó với Trung tâm này lâu dài. Trung tâm giống như một ngôi nhà thứ hai của cả y, bác sỹ và bệnh nhân, mọi người gần gũi, thân mật lắm, đây là điều rất quan trọng cho những người như em hết bi quan, tin yêu cuộc sống và quyết tâm điều trị hơn”.
CTNT nhằm mang lại sức khỏe cho người bệnh, cứu giúp được nhiều người bệnh suy thận kéo dài cuộc sống cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Để nâng cao hiệu quả điều trị, bác sỹ Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái cho biết: “Trung tâm luôn áp dụng đúng chế tài, quy trình, quy định về CTNT; song song với đó là chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức người thầy thuốc nói chung và cán bộ, nhân viên Trung tâm chạy thận nói riêng. Tất cả đều vì mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị và nâng cao sự hài lòng của người bệnh khi đến với Trung tâm. Qua đây, chúng tôi cũng xin được chia sẻ rằng, CTNT là công việc đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả một ê kíp, phải theo một lịch trình điều trị nghiêm ngặt, dùng thuốc thường xuyên và thường xuyên thực hiện các thay đổi trong chế độ ăn uống để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ thì người bệnh phải có sự hợp tác chặt chẽ và nghiêm ngặt”.
Thận suy là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra và (kéo theo) sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hoóc - môn do thận sản xuất ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do đó người bệnh bị suy thận phải lọc máu 2-3 lần trong 1 tuần để duy trì cuộc sống. |
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Thống kê trong quý I/2017, toàn tỉnh Yên Bái bội chi trên 47 tỷ đồng quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó việc bệnh nhân lợi dụng tính nhân văn của thẻ BHYT để đi KCB nhiều lần trong một thời gian ngắn xảy ra phổ biến nhất.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 22 - 24/6 nhưng trước đó, các thí sinh sẽ phải đến nhận phòng và làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót vào chiều 21/6.
YBĐT - Đối với thế hệ 8X, đầu 9X, chuỗi ngày nghỉ hè là những tháng ngày vui chơi thỏa thích, là những buổi sinh hoạt hè lý thú và tràn đầy sự háo hức của lũ trẻ. Còn ngày nay, không còn sự háo hức, thích thú, sinh hoạt hè nhiều nơi chỉ còn là hình thức, là sự hành chính hóa thủ tục.
YBĐT - Món quà có khi là một con gà ri, khi là quả cam hái vườn nhà, thậm chí nắm xôi nếp bọc lá chuối, vài miếng chả nướng, dăm ba cây bắp cải xòe vườn nhà… dành cho tôi như một người của làng trở về rồi lại đi xa.