Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái: Cơ sở đào tạo phù hợp với học sinh nông thôn
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/7/2017 | 8:02:04 AM
YBĐT - Là 1 trong tốp 40 trường trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2020; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư đào tạo 1 nghề đạt cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ Asean cùng với hàng chục nghề khác, Trường Cao đẳng Nghề (TCĐN) Yên Bái đang là cơ sở đào tạo đa ngành nghề phù hợp và đáp ứng cho mọi học sinh ở các vùng miền trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được đầu tư xây dựng khang trang.
|
Được thành lập từ năm 1992, đến nay, TCĐN Yên Bái đã có một đội ngũ cán bộ, giáo viên với chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề của tỉnh. Nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng của tỉnh, những năm gần đây, hệ thống nhà công vụ, phòng học, trại thực hành, sân bãi tập cũng như khu ký túc xá đều được xây dựng mới khang trang, rộng rãi và hiện đại.
Trong đó, TCĐN Yên Bái là 1 trong tốp 40 trường trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2020, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư đào tạo 1 nghề (công nghệ ô tô) đạt cấp độ quốc tế, 4 nghề (điện công nghiệp, gia công thiết kế sản phẩm mộc, vận hành máy thiết kế nền và chế tạo thiết bị cơ khí) đạt cấp độ Asean cùng với hơn chục nghề khác ở cả hệ cao đẳng và trung cấp.
Với nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đảm bảo, hiện nay, Trường đang duy trì tổng lượng học viên, sinh viên trung bình đạt khoảng trên 2.000 người. Trong đó, hệ sơ cấp thi bằng lái xe duy trì thường xuyên khoảng 360 học viên; liên kết đào tạo hệ đại học vừa học vừa làm với các ngành nghề như: kế toán, quản lý đất đai... khoảng 500 học viên và gần 1.200 học sinh, sinh viên trung cấp, cao đẳng chính quy.
Thầy giáo Dương Dũng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Căn cứ theo kế hoạch, phân bổ, giao chỉ tiêu phát triển văn hóa, giáo dục của tỉnh, Phòng đã tham mưu với ban lãnh đạo nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2017 - 2018 với tổng chỉ tiêu là 685 học sinh, trong đó hệ cao đẳng 200 người với 10 nghề, trung cấp 485 học sinh với 18 nghề. Bên cạnh đó, Trường cũng xây dựng kế hoạch liên kết tổ chức mở thêm một số lớp đại học tại chức và đào tạo sơ cấp lái xe....
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn nên để thu hút được học sinh, nhà trường đã triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ mọi chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, giúp học sinh học tại trường giảm bớt khó khăn và gánh nặng cho gia đình để các em yên tâm ổn định học tập.
Theo đó, các học sinh được hưởng chế độ chính sách khi tham gia học tập tại trường gồm 3 nhóm: nhóm I là học sinh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật với mức trợ cấp 100% mức lương cơ bản/tháng; nhóm II là học sinh tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện thị trong tỉnh, người dân tộc Kinh là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo với mức trợ cấp 80% mức lương cơ bản/tháng; nhóm III là học sinh là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo với mức trợ cấp 60% mức lương cơ bản/tháng cùng với một số khoản hỗ trợ khác như: hỗ trợ mua đồ dùng học tập, tiền tàu xe, hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn...
Thầy giáo Nguyễn Văn Dân - Phó trưởng phòng Đào tạo cho biết thêm: “Mặc dù vậy, nhưng những năm gần đây, Trường vẫn còn rất khó khăn trong công tác tuyển sinh do đầu ra cho học sinh ở cả các nghề đều khó khăn, vì các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh chủ yếu là loại vừa và nhỏ nên nhu cầu tuyển nhân lực có giới hạn; một số chính sách chưa phù hợp và đặc biệt là nhận thức về định hướng học tập, nghề nghiệp cho con cái của nhiều phụ huynh vẫn còn có hạn chế....
Để công tác tuyển sinh cũng như việc học tập của mọi học sinh được nâng lên, góp phần nâng cao mặt bằng trình độ nguồn lao động, phát huy tối đa hiệu quả các nghề mà trường đang đào tạo thì rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, các phụ huynh cùng phối hợp với nhà trường.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các học viên, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế và giao thông đi lại không có điều kiện về thành phố học tập, nhà Trường đã liên kết với các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị xã đào tạo các nghề hệ trung cấp chính quy cho con em các địa phương. Hiện nay, cũng đã có một số công ty đóng trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen, VinCom Plaza... và nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh thành khác cũng đã đến liên hệ tuyển nhân lực. Đây là cơ hội tốt để giải quyết việc làm cho con em các dân tộc trong tỉnh sau khi tốt nghiệp tại trường.
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhà trường đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giúp đỡ học sinh các dân tộc giảm bớt khó khăn trong học tập; sự đa dạng về các ngành nghề phù hợp với mọi nhu cầu về việc làm của nhiều học sinh, cho thấy học nghề ở TCĐN Yên Bái đang là cơ hội tốt cho nhiều học sinh hiện nay, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2017, huyện Mù Cang Chải có 653 lao động được giải quyết việc làm mới, đạt 72,6% kế hoạch năm. Trong đó: 478 lao động được tạo việc làm mới thông qua phát triển kinh tế - xã hội; 12 lao động được hỗ trợ tạo việc làm thông qua chương trình cho vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; 163 lao động đi làm việc tỉnh ngoài và không có lao động nào đi xuất khẩu lao động.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện Lục Yên đã cấp trên 83.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
YBĐT - Chiều 6/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ VI sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017, đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025".