Vu lan - nghĩ về đạo hiếu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/9/2017 | 1:56:03 PM

YBĐT - Mùa Vu lan, trong đó nhằm đúng ngày rằm tháng Bảy Âm lịch, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ơn ông bà, tổ tiên.

Truyền thuyết nhà Phật kể rằng, xưa kia ông La Bộc đi theo Đức Phật, tu hành đắc đạo, trở thành Bồ tát Mục Kiền Liên - một trong các đệ tử thân tín của Đức Phật. Vì mẹ đã qua đời nên Mục Kiền Liên luôn mang niềm thương nhớ. Muốn biết mẹ mình khi ấy ra sao, ông dùng "mắt thần" tìm kiếm bốn phương, thấy mẹ đang ở trong "cõi quỷ", bị hành hạ khổ cực vì khi còn sống bà từng gây tội lỗi.

Mục Kiền Liên thương mẹ nên xuống "cõi quỷ" đưa mẹ bát cơm mà mẹ lại không được ăn. Khi trở về, ông đem câu chuyện kể với Đức Phật. Nghe vậy, Đức Phật bảo dù tài giỏi nhưng Mục Kiền Liên cũng không cứu được mẹ, chỉ có một cách là hợp sức cùng mọi người. Rồi ngài thuyết kinh Vu lan khuyên đến ngày rằm tháng Bảy âm lịch, Mục Kiền Liên cùng mọi người sắm sửa cúng lễ sao thật thành tâm thì sẽ cứu được mẹ. Đức Phật còn bảo chúng sinh muốn báo hiếu với cha mẹ thì theo cách đó mà làm. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, cứu được mẹ.
 
Có lẽ từ truyền thuyết này mà hình thành nên lễ Vu lan. Hàng năm, đến mùa Vu lan, trong đó nhằm đúng ngày rằm tháng Bảy Âm lịch, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ơn ông bà, tổ tiên. Đó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành - đạo hạnh đứng đầu trong "tứ ân" của nhà Phật, như kinh Phật viết: "Ân đức cha mẹ vô cùng, kể không bao giờ hết", "tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu".

Đại đức Thích Trung Kính - Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Yên Bái, trụ trì chùa Linh Long cho biết: "Ngoài ý nghĩa cầu siêu quá cố hương linh cửu huyền thất tổ, lễ Vu lan còn có ý nghĩa khuyên dạy cho chúng ta biết hiếu hạnh, phụng dưỡng cha mẹ hiện thời. Kinh nhà Phật có câu "Cha mẹ tại tiền như phật tại thế”, điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi mà đạo đức xã hội đang có dấu hiệu xuống cấp, đâu đó vẫn xảy ra những chuyện đau buồn khi con cái ngược đãi với cha mẹ”.
 
Được biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các chùa trong toàn tỉnh, cùng với bà con phật tử hân hoan đón mừng mùa Vu lan hiếu hạnh. Ngoài đại lễ, các chùa thực hiện việc cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sỹ; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người già neo đơn, trẻ em nghèo hiếu học; tổ chức thả hoa đăng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh, nhân dân an lạc, cầu cho âm được siêu, dương được thái.

Vậy là khi lời của Đức Phật về một yếu tố của đạo lý làm người, gặp gỡ với tâm thức, với tình cảm của dân tộc đã "hóa thân" để ra đời một mỹ tục văn hóa "Tu đâu cho bằng tu nhà - Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu". Nên bao đời nay, Vu lan trở thành một ứng xử nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, trong dòng tộc mọi người đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Hơn thế nữa, chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, nếu không thành tâm, nghiêm túc thực hành sẽ bị dư luận lên án.

Ngày lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Chính vì vậy, Vu lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Đạo báo hiếu là tâm thái và hành vi tích cực được khởi đầu từ nền tảng gia đình đến xã hội và hướng đến nhân loại trên khắp địa cầu. Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Xác định vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, Công an huyện Yên Bình luôn chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

YBĐT - Trong toàn lực lượng Công an Yên Bái có 65 trường hợp là thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; trong đó, có nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải).

YBĐT - Mù Cang Chải là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó 91% là dân tộc Mông nên tỷ lệ học sinh DTTS rất cao. Một trong những khó khăn trực tiếp, rào cản lớn nhất của sự hình thành kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em học sinh DTTS là môi trường tiếng Việt hạn hẹp.

Tiểu phẩm “Tôi hiểu rồi” của thí sinh đến từ huyện Văn Chấn để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

YBĐT - Hội thi Tuyên truyền viên giỏi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ (ĐHĐBPN) toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh Yên Bái lần thứ XV do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức đã thành công tốt đẹp. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, sự thể hiện sinh động, hấp dẫn các thí sinh đã để lại nhiều ấn tượng cho hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục