Kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Trung học phổ thông Văn Chấn (1972 - 2017)

Mãi mãi tự hào Trung học phổ thông Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/10/2017 | 8:01:55 AM

YBĐT - Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Văn Chấn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để khẳng định vị thế, vai trò của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, cho địa phương và đất nước.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2016 - 2017 cho thầy và trò nhà trường.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2016 - 2017 cho thầy và trò nhà trường.

Trường THPT Văn Chấn với tên gọi ban đầu là Trường Phổ thông cấp III huyện Văn Chấn thành lập ngày 17/7/1972 theo quyết định của Ủy ban Hành chính tỉnh Nghĩa Lộ trong thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 vô cùng ác liệt. 

Là trường cấp III đầu tiên của huyện Văn Chấn được đặt tại khu sơ tán Khe Nhừ thuộc xã Tân Thịnh, cách trung tâm huyện lỵ trên 40 km. Năm học đầu tiên, nhà trường mới chỉ có 3 lớp với 96 học sinh và 6 thầy cô giáo, trong đó có 1 đảng viên. Trong bộn bề công việc, chồng chất khó khăn, vượt lên bao gian nan, vất vả, thiếu thốn, được chính quyền và nhân dân địa phương giúp đỡ, thầy và trò nhà trường quyết tâm dựng lớp, dựng trường, vận động học sinh đến lớp. Nhà tre vách nứa nhưng số lượng học sinh tăng dần theo từng năm học, tỷ lệ học sinh nữ, dân tộc cũng ngày một nhiều hơn. Nhà trường đã làm tốt sứ mệnh của lịch sử giao phó, trở thành cơ sở giáo dục bậc THPT đầu tiên trên quê hương Văn Chấn anh hùng. Thế hệ giáo viên đầu tiên như thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiệp, thầy Hoàng Quang Nhân, thầy Vũ Văn Chương, cô Nguyễn Thị Bình, thầy Phạm Viết Bản, thầy Hà Ngọc Khoa, thầy Sa Hoa Nở, cô Lê Thị Nga… đã đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng Trường buổi sơ khai.

Năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trường THPT Văn Chấn được chuyển về địa điểm mới tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Điều kiện thuận lợi hơn nhưng cũng chưa hết khó khăn của thời kỳ bao cấp, Trường chưa có kinh phí xây dựng, thầy và trò lại một lần nữa phải chặt cây, lấy lá dựng lớp học, nhà ở cho giáo viên và nhà nội trú cho học sinh, duy trì 1 bếp ăn tập thể cho gần 200 thầy cô giáo và học sinh.
 
Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng số lượng học sinh vẫn ổn định và phát triển từ 5 lớp năm 1975 đã tăng lên 12 lớp năm 1978 với 454 học sinh. Khu nhà ký túc xá đã thực sự là ngôi nhà thứ hai của những học sinh xa nhà, tạo cho các em tình cảm, niềm tin và quyết tâm học tập tốt.
 
Năm 1978, tỉnh đã đầu tư kinh phí kiên cố hóa trường lớp cho nhà trường với dãy nhà 2 tầng 14 phòng học, hội trường, khu xưởng trường, nhà ở giáo viên, nhà nội trú cho học sinh. Từ đây, cơ sở vật chất nhà trường tương đối ổn định, phục vụ tốt cho công tác dạy và học của thầy và trò. Từ năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, cơ hội và thách thức đan xen, thầy và trò nhà trường đồng sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.
 
Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, phương châm "Tất cả vì học sinh thân yêu” đã tạo động lực lớn, gắn kết đội ngũ, tạo ra sức mạnh để nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể, cá nhân được công nhận danh hiệu "Giáo viên giỏi”, "Tập thể Lao động Xã hội chủ nghĩa”.

Vững bước đi lên, nhà trường tiếp tục nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, của huyện Văn Chấn và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất của nhà trường dần hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Năm 2004, trước yêu cầu phát triển giáo dục với quy mô ngày càng tăng, được UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cho phép, nhà trường mở thêm một phân hiệu đặt tại xã Nghĩa Tâm, cách khu trung tâm của trường 18 km, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân các dân tộc trong khu vực, thuận lợi cho con em các dân tộc vùng ngoài đến trường.
 
Phân hiệu Nghĩa Tâm đã duy trì ổn định quy mô lớp và sĩ số học sinh. Phân hiệu đã đào tạo được 5.328 học sinh, trong đó có 2.830 học sinh dân tộc thiểu số. Đến nay, Trường THPT Văn Chấn đã tổ chức giảng dạy được gần 1.000 lớp học với gần 35.000 học sinh bậc THPT tốt nghiệp ra trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng lớn mạnh. Trường đã có 97 giáo viên, nhân viên, 100% đạt trình độ chuẩn. Trong đó có 10  giáo viên có trình độ thạc sỹ và 1 giáo viên đang theo học cao học.
 
Nhà trường được Nhà nước đầu tư, các doanh nghiệp, ban đại diện cha mẹ học sinh, cựu học sinh thành đạt, các nhà hảo tâm… ủng hộ giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất khang trang với 35 phòng học, phòng thực hành tin học, phòng máy chiếu, nhà công vụ giáo viên 10 phòng học tại phân hiệu Nghĩa Tâm, nhà đa năng tại cả 2 khu, sân chơi, bãi tập…, đáp ứng yêu cầu của công tác dạy và học trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Đồng hành với sự phát triển của đất nước, 5 năm trở lại đây, hoạt động dạy và học trong nhà trường thực sự khởi sắc. Nề nếp, kỷ cương trong công tác giáo dục toàn diện được củng cố, tăng cường. Nhà trường triển khai tốt và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động: "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các phong trào thi đua: "Dạy tốt - Học tốt”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập, chú trọng  giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh, công tác khuyến học, bồi dưỡng chuyên môn được quan tâm. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước nâng lên. Tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 97 đến 99,2%, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng đạt từ 30% đến 35%.
 
Trong 2 năm học: 2015 - 2016 và 2016 - 2017, nhà trường có 29 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều giáo viên đạt danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”, "Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, bằng khen của UBND tỉnh, bằng khen của Bộ GD&ĐT, bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tập thể nhà trường được công nhận danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc” năm học 2015 - 2016; năm học 2016 - 2017, được UBND tỉnh tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Đảng bộ được công nhận là "Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, Công đoàn nhà trường được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen, Đoàn Thanh niên được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen...
 
Có được thành tích đó, trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy, chính quyền địa phương qua các thời kỳ, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở GD&ĐT, sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự tâm huyết, yêu nghề, tích cực giảng dạy và công tác của tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường. Đặc biệt, đó là sự nỗ lực, sáng tạo trong học tập của các thế hệ học sinh trong suốt 45 năm qua.
 
Các thế hệ thầy và trò Trường THPT Văn Chấn hôm nay hết sức trân trọng những bài học quý giá của các thế hệ đi trước, vui mừng với kết quả đạt được và quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, sẽ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ học sinh.

45 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Văn Chấn đã xây dựng nên truyền thống tốt đẹp và đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, góp phần đào tạo nhân lực cho địa phương và đất nước.
 
Các thế hệ học sinh của nhà trường dù ở bất cứ đâu, ở bất cứ lĩnh vực công tác nào cũng luôn hướng về mái trường thân yêu, tự hào về nơi đã chắp cánh cho mình khôn lớn và xứng đáng là học trò đã lớn lên trong một mái trường tràn đầy nghĩa tình của nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn; xứng đáng là công dân tốt, biết sống vì mọi người, đã và đang làm rạng danh Trường THPT Văn Chấn.
 
Thành tích mà nhà trường giành được trong suốt 45 năm qua rất đáng phấn khởi, tự hào, là niềm tin, động lực của tất cả các thế hệ thầy, cô và học sinh nhà trường trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nhà trường trong những năm tiếp theo.
 
Thầy giáo Hoàng Quang Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Văn Chấn, giai đoạn 2003 - 2009:
 

Công tác tại Trường THPT Văn Chấn từ những ngày đầu thành lập nên điều tôi tự hào nhất là nhà trường đã góp phần giúp học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số các xã, thị trấn vùng ngoài của huyện được đi học. Nơi đây luôn có môi trường giáo dục tốt và đầy tình cảm thương yêu của nhân dân Văn Chấn dành cho các thầy cô và các em học sinh. Qua đó, nhà trường luôn phát triển ổn định. Từ chỉ có 3 lớp khi mới thành lập, lúc cao điểm nhất nhà trường có đến 54 lớp với 2.600 học sinh. Hôm nay, cơ sở vật chất của trường đã được xây dựng khang trang, trang bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu giáo dục. Tôi mong rằng, tập thể cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường luôn phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được, ra sức phấn đấu xây dựng nhà trường không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương.
Ông Hà Minh Ất - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái, học sinh khóa I, Trường THPT Văn Chấn:
 

Nhập trường năm 1972 và là lứa học sinh khóa đầu tiên của Trường THPT Văn Chấn. Tôi nhớ năm ấy, Mỹ đánh phá Yên Bái rất ác liệt nên khi mới vào nhập trường. Chúng tôi mất gần 2 tháng đào hầm hào. Ngoài giờ học, chúng tôi lại cùng với các thầy, cô giáo vào Khe Quẻ, Khe Nhừ chặt gỗ, chặt nứa, xây dựng nhà trường. Mặc dù vô cùng thiếu thốn nhưng tình thầy trò, sự giúp đỡ của người dân địa phương đã giúp tôi và các bạn có môi trường rất tốt để vừa học vừa làm vừa rèn luyện lối sống tự lập, khắc phục khó khăn để sau này thành công trong công tác và cuộc sống.


 
Bà Hoàng Thị Chanh - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh:
 

Trở lại ngôi trường đã từng học tập và trưởng thành, cá nhân tôi có rất nhiều cảm xúc. Nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ lại những ngày tháng tuy còn khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô rất tâm huyết, bạn bè đùm bọc lẫn nhau vượt mọi qua khó khăn để rồi ra trường mỗi người một nơi, mỗi người một nghề nghiệp khác nhau nhưng các thế hệ học sinh của nhà trường đều trưởng thành. Về lại nơi này, chúng tôi xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ thầy, cô giáo và cũng nói lời tạ lỗi với thầy, cô. Trong cuộc sống, đôi khi bận công việc mà những lứa học trò ít có điều kiện thăm hỏi thầy cô và cũng mong nhận được sự thông cảm từ các thầy cô.
Em Hoàng Thị Thu - Lớp 11 B1, Trường THPT Văn Chấn:
 

Được học trong mái trường với bề dày truyền thống, thầy, cô giáo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm động viên, chia sẻ những khó khăn với học sinh, bản thân em luôn ý thức rèn luyện đạo đức, chăm chỉ học hành để không phụ lòng của các thầy cô, cố gắng phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của nhà trường đã xây dựng trong suốt 45 năm qua.

Nhóm P.V (thực hiện)
Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường THPT Văn Chấn

Các tin khác

YBĐT - Trong suốt 45 năm qua, Trường THPT Văn Chấn đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên về mọi mặt, tạo được niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc địa phương. Trong bảng vàng truyền thống của nhà trường, Tổ Lý - Hóa - Sinh tự hào đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích chung đó.

Mỗi người dân tham gia BHXH, BHYT được cấp một mã số BHXH duy nhất và mã số định danh này sẽ theo họ suốt cả cuộc đời.

YBĐT- Mỗi người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH, BHYT) được cấp một mã số BHXH duy nhất và mã số định danh này sẽ theo họ suốt cả cuộc đời. Người tham gia đã có mã số BHXH chỉ cần cung cấp mã số đó khi cần giải quyết các vấn đề liên quan tới việc hưởng các chế độ BHXH, BHYT trên phạm vi toàn quốc.

 

YBĐT - Tính đến 16 giờ ngày 12/10, tỉnh đã huy động gần 580 người tham gia công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích do lũ cuốn gồm lực lượng quân đội, công an và dân quân tự vệ của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Đến 16 giờ ngày 12/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 2 nạn nhân, hiện vẫn còn 16 người chưa tìm thấy.

YBĐT - Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Ngay sau lũ, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã kịp thời có mặt, chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích, huy động mọi lực lượng tham gia khắc phục hậu quả trận lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục