Thanh niên và câu chuyện khởi nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/10/2017 | 6:59:20 AM

YBĐT - Khát vọng khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhưng khởi nghiệp như thế nào, làm sao để vượt qua khó khăn trên đường khởi nghiệp, để trụ vững và phát triển là những trăn trở mà nhiều thanh niên đang loay hoay - họ đang rất cần sự quan tâm, trợ giúp mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy, các cấp bộ Đoàn, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...

Từ người đi làm thuê, anh Bùi Công Dũng, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái (bên phải) đã mở xưởng nhôm, kính, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm nhờ quyết tâm khởi nghiệp.
Từ người đi làm thuê, anh Bùi Công Dũng, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái (bên phải) đã mở xưởng nhôm, kính, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm nhờ quyết tâm khởi nghiệp.

Khát vọng và ý tưởng

"Muốn thành công, trước hết phải có khát vọng, ý chí quyết tâm, không vì thất bại mà bỏ cuộc thì mới thành”- anh Bùi Công Dũng ở phố Yên Phú 1, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái nói với chúng tôi như vậy. Sau gần 3 năm đi làm thuê ở các cửa hàng nhôm kính, anh đã tích lũy kinh nghiệm và ít vốn để mở xưởng cho riêng mình.
 
Khi mới mở, vốn để sắm đồ nghề còn rất khó khăn, gia đình anh không có điều kiện nên làm đến đâu thì anh sắm đến đấy. Dần dần, xưởng của anh đầy đủ đồ nghề. Thời gian đầu, anh Dũng nhận những đơn đặt hàng nhỏ, rồi nhờ siêng năng, cần cù, sản phẩm có chất lượng, anh tạo được niềm tin cho khách hàng nên cơ sở ngày càng đông khách.
 
Với kinh nghiệm tích lũy được, có tay nghề cao, biết nắm bắt thị hiếu thị trường, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, các sản phẩm của anh mẫu mã đẹp, chắc chắn. Hiện nay, mỗi năm thu nhập từ cơ sở cắt nhôm, kính của anh khoảng 100 triệu đồng. Thanh niên khởi nghiệp, không chỉ bằng khát vọng, ý chí, con đường khởi nghiệp vốn không dễ dàng và để khởi nghiệp thành công rồi trụ vững, phát triển lại càng lắm gian truân. Khát vọng, ý chí, đam mê chưa đủ, rất cần kỹ năng và ý tưởng để khởi nghiệp.
 
Chị Trần Thu Hường – giáo viên chuyên biệt ở Hội Người mù tỉnh Yên Bái trong suốt 3 năm qua luôn ấp ủ ý tưởng mở một trung tâm can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập để giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Với nhiều người, đây có thể là ý tưởng "không tưởng”, nhưng với chị Hường lại khác. Có lẽ, bắt nguồn từ công việc, tiếp xúc với nhiều người vì kém may mắn mà gặp khó khăn trong hòa nhập cộng đồng đã khiến chị có ý tưởng như vậy.
 
Một ý tưởng được đánh giá có hiệu quả xã hội cao và là 1 trong 8 ý tưởng đã xuất sắc vượt qua gần 100 ý tưởng tham dự Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức. Ý tưởng của chị bây giờ không còn trên giấy nữa nhờ sự trợ giúp của Đoàn xã Tuy Lộc, chính quyền xã đã tạo điều kiện về văn phòng trung tâm để chị khởi nghiệp nhưng con đường phía trước sẽ rất gian nan..
 
Loay hoay vì "4 thiếu”

Khởi nghiệp không phải là cuộc chơi, chỉ cần sơ sảy là có thể "đi tong” cả cả một gia sản. Đi tìm những mô hình khởi nghiệp của thanh niên và nghe tâm tư của họ, mới thấy rằng thanh niên đang rất khó khăn khi khởi nghiệp. Họ thiếu gì? "4 thiếu”: thiếu vốn, thiếu đất để sản xuất và mở rộng sản xuất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu kỹ năng khởi nghiệp.
 
Bùi Công Dũng ở phố Yên Phú 1, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái bây giờ đã có chút thành công sau ngần ấy năm khởi nghiệp nhưng nói về chuyện vốn làm ăn, anh vẫn còn đau đáu: "Thời gian đầu, tôi rất khó khăn về vốn. Khi quyết làm, khi chùn lại, gia đình cũng khó khăn, lúc đó không có ai để vay và cũng không biết chỗ nào cho vay. Nếu như lúc đó được trợ giúp về vốn thì tôi có thể làm tốt hơn bây giờ!”- anh Dũng tâm sự.
 
Anh Bùi Công Dũng là thanh niên ở thành phố, câu chuyện của anh có gì khác với thanh niên nông thôn khi khởi nghiệp? Chúng tôi đem câu hỏi này tìm đến anh Đào Xuân Hải - chủ trang trại gà có diện tích 5.000 m2 ở thôn 1, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.
 
Đi thăm trang trại với anh, trò chuyện với anh, mới thấy rằng không chỉ thiếu vốn, còn thiếu kiến thức, thiếu cả kỹ năng. 24 tuổi, để có được trang trại chăn nuôi quy mô 2.000 con gà như hiện nay là quá trình phấn đấu của chàng trai 9X. Để thực hiện ước mơ khởi nghiệp, anh đã tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Học rồi, nhưng vốn, kỹ thuật, giống, đầu ra... là cả một câu chuyện. Đang loay hoay, anh may mắn được biết và tham gia vào Câu lạc bộ gà thả đồi ở huyện: "Mình làm, có gì vướng mắc lại nhờ các anh đi trước tư vấn, giúp đỡ nên cũng bớt lo!” - Hải nói.
 
Ban đầu, mở trang trại 1000 m2, nuôi gần 1000 con gà, sau gần 2 năm anh phát triển trang trại lên diện tích 5000 m2, nuôi gần 2.000 con gà. Mới khởi nghiệp, chưa thể tính chính xác thu nhập, nhưng nhìn trang trại hàng nghìn con gà được bố trí quy củ thì có thể tin vào hướng đi, quyết tâm khởi nghiệp của Hải.
 
Không ngại khó, không ngại khổ và không để hoang phí một tấc đất nào, Hải dự tính sẽ đầu tư nuôi bò bán công nghiệp và trồng cây ăn quả. Nhưng vốn vẫn là khó khăn, anh chia sẻ: "Tôi mong muốn được hỗ trợ vốn để phát triển thêm mô hình của mình. Trong khi chờ các cấp, các ngành phê duyệt dự án, cấp vốn, tôi sẽ dần dần tích cóp để thực hiện ý tưởng của mình!”.
 
Còn chị Hường – nữ thanh niên với ý tưởng về trung tâm can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập để giúp đỡ các trẻ em bị khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và đang bắt tay vào khởi nghiệp? "Khó khăn nhất hiện nay là vốn, rồi đến cơ sở vật chất và giấy phép hoạt động. Xã tạo điều kiện cho mượn trụ sở cũ của xã, nhưng thời hạn bao lâu, sau sẽ thuê như thế nào, hiện cũng chưa rõ ràng; chỉ khi có hợp đồng thuê cơ sở thì chúng tôi mới xin được giấy phép hoạt động. 3 năm ấp ủ ý tưởng, tôi tích lũy từng chút một, mua được một số trang thiết bị nhưng vẫn còn rất thiếu thốn” - chị nói.

Lại là vốn! Thanh niên khi có ý tưởng, có quyết tâm và những điều kiện có tính cơ bản ban đầu khởi nghiệp rồi mà không có vốn thì loay hoay là phải. Với nhiều dự án nông nghiệp, chăn nuôi, chỉ cần chờ vốn đôi ba tháng, đôi khi là quá muộn...

Đừng để thanh niên đơn độc!

Trở lại với Đào Xuân Hải - chủ trang trại gà ở thôn 1, thị trấn Cổ Phúc. Những mô hình liên kết, hỗ trợ như Câu lạc bộ gà thả đồi ở huyện Trấn Yên mà anh tham gia không có nhiều. Từ câu chuyện của Hải có thể thấy mô hình liên kết này là sự hỗ trợ đắc lực cho thanh niên khởi nghiệp. Phong trào thanh niên khởi nghiệp đang lan tỏa, đã có nhiều gương thanh niên khởi nghiệp với những mô hình, những sáng tạo trị giá nhiều tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, để những mô hình đó, sáng tạo đó phát triển và bền vững cần có nhiều thêm nữa, cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa những chính sách hỗ trợ họ. Cái mà thanh niên đang sẵn có để khởi nghiệp là sức sáng tạo, khát khao được làm giàu trên quê hương.
 
Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của thanh niên thông qua tư vấn, hỗ trợ, xây dựng ý tưởng, thiết lập các mô hình sáng tạo, sản xuất kinh doanh rất quan trọng. Nhưng cấp thiết hơn là kịp thời tháo gỡ vướng mắc, mà cụ thể là "4 thiếu” cho thanh niên. Việc này, đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy, các cấp bộ Đoàn, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Nguyễn Minh Phương

Các tin khác
Mô hình nuôi tằm giống của hội viên Bùi Thị Hoa - thôn 2, thu nhập trên 70 triệu đồng/ năm.

YBĐT - Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, luôn đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội.

Các bác sỹ thực hiện phẫu thuật u sơ cổ tử cung cho bệnh nhân.

YBĐT - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái mới đi vào hoạt động được 1 năm theo Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 27/7/2016 của UBND tỉnh Yên Bái trên cơ sở tổ chức lại Khoa Sản và Khoa Nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Sở Y tế.

Đồng chí Gìang Seo Vần trao kinh phí hỗ trợ cho Ban Cứu trợ huyện Văn Chấn.

YBĐT - Tỉnh Lào Cai trao hỗ trợ nhân dân huyện Văn Chấn 200 triệu đồng, Công ty TNHH Cỏ May và Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt trao 25 tấn gạo cho Ban cứu trợ tỉnh.

Bắc Bộ đón đợt không khí lạnh, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Từ gần sáng và ngày mai (29/10), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Từ đêm 30/10, trời rét vào đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C, vùng núi 12-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục