Hiệu quả Dự án “Chăm sóc sức khỏe trẻ em trên địa bàn khó khăn” tại Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/12/2017 | 8:32:43 AM

YBĐT - Dự án "Chăm sóc sức khỏe (CSSK) trẻ em trên địa bàn khó khăn” được triển khai tại tỉnh Yên Bái do Tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK) thông qua tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (gọi tắt là Tổ chức SCI) tài trợ. Sau một năm triển khai đến nay, Dự án đã và đang góp phần nâng cao chất lượng CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh tại huyện Trạm Tấu.

Kết quả nghiên cứu do Tổ chức Save the Children và Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện năm 2012 cho thấy, chỉ có 57% bà mẹ tại tỉnh Yên Bái thấy cần thiết phải khám thai ít nhất ba lần trong suốt thai kỳ, khoảng 24% bà mẹ được sự trợ giúp của người đỡ đẻ có kỹ năng, số còn lại là tự sinh con hoặc được người nhà đỡ đẻ. Theo nghiên cứu này, có hai nguyên nhân chính khiến người dân không tìm đến dịch vụ y tế đó là khó khăn trong việc đi lại và hiểu biết hạn chế về các thực hành trong CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh.
 
Theo điều tra ban đầu do Tổ chức Save the Children triển khai thực hiện vào năm 2014 tại 6 xã trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã cho thấy có tới 91% trường hợp bà mẹ sinh con tại nhà mà không có sự trợ giúp của người đỡ đẻ có kỹ năng.
 
Vì vậy, Dự án đã được triển khai tại huyện Trạm Tấu với mục tiêu cải thiện sức khỏe và giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, tăng cường sử dụng dịch vụ CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án triển khai tại huyện Trạm Tấu đã mang lại hiệu quả không chỉ cho bản thân bà mẹ, trẻ sơ sinh mà còn thay đổi cả nhận thức của người thân về tầm quan trọng của việc CSSK bà mẹ, trẻ em.
 
Chị Hàng A Lồng, xã Bản Mù là một trong những người dân được hưởng lợi từ Dự án chia sẻ: "Trước kia, con tôi bị ốm thường điều trị tại nhà bằng thuốc thông thường nên bệnh không tiến triển, có lần bệnh còn nặng nhưng do đường giao thông đi lại khó khăn nên hai ngày sau khi cháu ốm tôi mới đưa cháu ra bệnh viện và phải đưa đi trung tâm y tế cấp cứu. Nhưng bây giờ được tuyên truyền về sức khỏe về bà mẹ, trẻ em nên khi con bị bệnh, bản thân tôi đã thay đổi nhận thức, đưa con xuống cơ sở y tế khám và điều trị sẽ tốt hơn.
 
Tại đây, tôi được cán bộ y tế hướng dẫn nhiều về cách chăm sóc con”. Cũng giống như chị Hàng A Lồng, anh Giàng A Kỷ ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ có con 3 tuổi, mấy ngày hôm nay anh, chị thấy cháu ho, đau bụng, người sốt cao, bỏ ăn, thở gấp. Lo lắng vì bệnh tình của cháu, anh liền giục vợ đưa cháu đến Trung tâm y tế huyện khám.
 
Anh Kỷ cho biết: "Cũng như bao gia đình khác, con ốm thường tự cho uống thuốc và chữa trị tại nhà nên khi bệnh nặng mới tá hỏa đưa con đi cơ sở y tế cấp cứu. Khi Dự án triển khai trên địa bàn, tôi được thông tin về nội dung dự án và cách chăm sóc con và đặc biệt thay đổi suy nghĩ, dù bệnh nặng hay nhẹ nhưng cố gắng đưa đi các cơ sở y tế được thăm khám chu đáo và được tuyên truyền nhiều về cách chăm sóc con nên mỗi lần tôi thấy cháu ho, sốt, đau bụng dù đường sá đi lại khó khăn thế nào tôi cũng phải đưa con đến cơ sở y tế chữa bệnh”.

Dưới sự hỗ trợ từ Dự án, Phòng đơn nguyên sơ sinh của Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu từ khi đi vào vào hoạt động đến nay đã cấp cứu và điều trị kịp thời cho nhiều trẻ đẻ non, nhẹ cân. Trong đó, thành công nhất là ca cấp cứu và điều trị cho trẻ nặng 1,2 kg. Đến nay trẻ đã phát triển bình thường, ổn định. Đặc biệt, Trung tâm đã đảm bảo tốt công tác chuyển tuyến an toàn đối với địa bàn khó khăn thông qua việc thành lập các đội chuyển tuyến cơ động…
 
Bên cạnh đó, Dự án đã chỉnh sửa, xây dựng tài liệu truyền thông phù hợp với văn hóa của người dân tộc thiểu số, tổ chức khóa tập huấn giảng viên về kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho 16 giảng viên tuyến huyện, tỉnh và hỗ trợ 16 giảng viên tổ chức tập huấn về kỹ năng cho cán bộ trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản.
 
Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như: Hội thi kiến thức về CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh tại xã Hát Lừu; ngày hội sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại xã Trạm Tấu và khám sức khỏe, tặng quà tại thôn Tà Tầu, xã Pá Hu. Từ đó, nhận thức của bà mẹ và người thân đã có chuyển biến rõ rệt, góp phần tăng tỷ lệ sinh tại cơ sở y tế, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em.

Tin rằng, trong những năm tiếp theo với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Save the Children, các cán bộ y tế cơ sở của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì những kỹ năng chuyên môn về xử trí cấp cứu, đào tạo, giám sát và truyền thông về chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại cơ sở nhằm cải thiện sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh tại địa phương, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Trần Minh

Các tin khác

YBĐT - Tính đến hết tháng 11/2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Văn Chấn, Hội Chữ thập đỏ huyện và các địa phương đã tiếp nhận trên 100 lượt tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ hồi tháng 10 với tổng trên 3 tỷ đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác quy tiền trị giá trên 1,7 tỷ đồng.

Thi nghề xây gạch tại Kỳ thi tay nghề quốc gia.

Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018 sẽ tổ chức thi 26 nghề. Ngoài kỹ năng nghề, Hội đồng chấm thi sẽ chú trọng cả đến ý thức, tác phong làm việc chuyên nghiệp của các thí sinh.

Xòe Thái làm say lòng bao du khách.

YBĐT - Ngược dòng thời gian về những năm 90 của thế kỷ trước, công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gặp rất nhiều khó khăn do công tác tổ chức thực hiện, kinh phí, cơ sở hạ tầng giao thông và công việc này chủ yếu do các cơ quan chuyên môn thuộc ngành văn hóa đảm trách.

Các em học sinh bên khu mộ các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Căng và Đồn Nghĩa Lộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

YBĐT - Đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử ở các trường không thật sự bảo đảm, nhiều nơi thiếu giáo viên, phải dùng giáo viên bộ môn khác dạy thay, chất lượng rất thấp. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục