Đoạn quốc lộ 37 đi qua khu 6A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn – nơi vẫn được gọi là "trung tâm cung cấp đào chơi tết” của miền Tây đã tấp nập người mua bán hoa đào. Những cây đào rừng thân mốc trắng đặc trưng của vùng núi cao, lá và nụ hoa không nhiều nhưng bù lại, giống đào này được người mua ưa thích ở chỗ nó mang nét rêu phong, sần sùi, góc cạnh – khác nhiều so với các loại đào truyền thống miền xuôi.
Bác Nguyễn Quang Điện – người dân khu 6A nhiều năm buôn đào rừng cho biết: "Khách dưới xuôi đặt mua đào rừng từ rất sớm. Thông thường trước tết khoảng gần 2 tháng là chúng tôi đã phải rục rịch đi ngắm và đặt hàng trong dân để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Qua rằm tháng Mười một âm lịch mà chưa chuẩn bị được đào thì coi như năm ấy ít cơ hội làm ăn”.
Nguồn cung cấp đào rừng chủ yếu của khu vực chợ hoa này chính là từ đồng bào người Mông sinh sống tại các xã vùng cao của huyện Văn Chấn như: Sùng Đô, Nậm Mười… và một số xã của huyện Trạm Tấu như: Tà Xi Láng, Phình Hồ, Làng Nhì… Đối với những đơn hàng được đặt từ sớm, dân buôn đào phải đi rừng từ khoảng cuối tháng Mười một, đặt hàng dân bản địa về số lượng để người dân gom về.
Những chuyến đi rừng của người dân vùng cao thực sự rất vất vả, họ phải dậy từ 3 – 4 giờ sáng, trèo leo trên những vách đá dựng đứng trong rừng già thì mới hy vọng tìm được đào già, thân mốc, nếu không cũng chỉ tìm được loại đào "bánh tẻ” thì ít được giá hơn, phải đến tận nửa đêm, mờ sáng mới về đến nhà…
Khách hàng đặt đào với số lượng lớn chủ yếu là người ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền xuôi. Họ đặt hàng sớm để tránh bị ép giá khi nguồn hàng cạn vào dịp giáp tết, họ cũng chính là những đầu mối buôn bán đào rừng ở khắp các tỉnh Tây Bắc về thủ đô và miền xuôi để cung cấp cho dân chơi hoa ngày tết.
Khi được hỏi về việc chặt đào sớm như vậy có sợ cây đào bị héo úa hoặc bị "chột” thì bác Điện chia sẻ: "Dân buôn đào chuyên nghiệp biết cách dưỡng cây nên không lo cây bị hỏng. Với lại đào rừng là loại cây chống chịu với điều kiện khắc nghiệt rất tốt, độ bền của cây rất lâu nên ít khi bị héo. Vì thế, có chặt trước cả tháng thì đào rừng vẫn còn tươi nguyên cho đến hết tết”. Tìm hiểu được biết thêm, có những năm, khu vực chợ đào này bán được những cành đào giá lên tới vài chục triệu đồng cho dân chơi hoa. Đấy là những cành đào "độc”, "có một không hai”, còn lại trung bình giá đào rừng dao động từ 1 - 3 triệu đồng/cành. Đối với dân buôn đào, "mùa đào rừng qua cũng kiếm được cái tết cho cả nhà”.
Cùng với những loài hoa khác, đào rừng đã góp phần làm cho mùa xuân thêm hương thêm sắc. Tuy nhiên, việc khai thác đào rừng một cách vô tội vạ cũng khiến nguồn đào rừng ngày càng khan hiếm, đào rừng đang chảy máu và đứng trước nguy cơ tuyệt diệt do tác động quá mạnh của con người.
Trước hiện tượng này, nhiều người cũng đã tỏ ra lo ngại và cảnh báo rằng, nếu cứ chặt phá bừa bãi thì rừng đào sẽ biến mất hàng loạt. Đây cũng là cách tiếp tay cho nạn phá rừng và xâm hại tới nhiều giá trị văn hóa dân tộc, cần phải kịp thời ngăn chặn, hoặc khai thác một cách khoa học, nếu không thì sẽ quá muộn. Từ thực tế cho thấy, rất nhiều cánh rừng đào ở Yên Bái có hàng chục năm tuổi có thể có nguy cơ biến mất…
Chơi tết bằng đào rừng, đó là nhu cầu chính đáng và việc khai thác đào rừng để mưu sinh của người dân cũng là lẽ thường. Tuy vậy, việc khai thác đào rừng bền vững chính là cách bảo tồn để mỗi khi tết đến, xuân về, bất kể người miền xuôi hay miền ngược đều được chơi và thấy được nét đẹp riêng của đào rừng miền Tây. Vì vậy, việc gìn giữ, phát triển, thậm chí trồng lại đào rừng là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn nguồn gen quý để có thể tiếp tục phục vụ nhu cầu chơi đào rừng của người dân một cách lâu dài.
Thiên Cầm