Nỗ lực vì chất lượng cơ sở Đoàn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2018 | 8:48:20 AM

YBĐT - Phát huy sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ Đoàn cùng với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thanh niên, hoạt động xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng... là những giải pháp.

Mô hình nuôi ba ba do thanh niên làm chủ của Huyện đoàn Văn Chấn mang lại hiệu quả tích cực.
Mô hình nuôi ba ba do thanh niên làm chủ của Huyện đoàn Văn Chấn mang lại hiệu quả tích cực.

"Thanh niên là rường cột của nước nhà” - vị thế, vai trò quan trọng của thanh niên đang ngày càng được khẳng định đúng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế hệ thanh niên ngày nay với tri thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tinh thần xung kích, tình nguyện, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã đóng góp công sức không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh, phong trào hiệu quả sâu rộng, việc khó tập hợp lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN), hoạt động Đoàn đôi khi thiếu tính hấp dẫn về cả nội dung và hình thức… cũng chính là những khó khăn mà công tác Đoàn phải đối mặt.

Khó khăn chung

Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở Đoàn. Song, hoạt động Đoàn vẫn còn bộc lộ những tồn tại, khó khăn nhất định, thiếu tính hấp dẫn để thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia. Cụ thể như: chất lượng hoạt động Đoàn chưa cao; hình thức, nội dung sinh hoạt Đoàn, ít đổi mới, sáng tạo, chưa thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới; kinh phí cho hoạt động Đoàn còn hạn chế, chủ yếu là từ nguồn thu rất ít của quỹ đoàn…
 
Trong khi đó, lực lượng đoàn viên mỏng, phân tán và thường xuyên biến động. Nhiều thanh niên đi làm ăn xa; một số học sinh, sinh viên khi đi học chuyển sinh hoạt về khu vực khác; một bộ phận đoàn viên còn thụ động, ý thức xây dựng tổ chức chưa cao; một số nơi công tác Đoàn thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các đơn vị, quản lý đoàn viên thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng.

Thực tế, muốn ĐVTN nhiệt tình với hoạt động Đoàn thì chính tổ chức Đoàn phải lôi cuốn họ bằng sức hấp dẫn của nội dung sinh hoạt, phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của ĐVTN. Có thể thấy, nhu cầu lớn nhất hiện nay của ĐVTN chính là được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện lập thân, lập nghiệp. Vì vậy, nếu nội dung sinh hoạt Đoàn cứng nhắc, rập khuôn, chậm đổi mới, xa rời thực tế thì khi đó hoạt động Đoàn sẽ chỉ mang tính phong trào chung chung, khó có thể khơi dậy được tinh thần xung phong tình nguyện, xung kích của ĐVTN.
 
Từ những hoạt động thiết thực

Xác định rõ những khó khăn ấy, các cấp bộ Đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, việc làm cụ thể nhằm khắc phục khó khăn và đưa hoạt động cơ sở Đoàn đi vào thực tế, có chiều sâu, phù hợp với điều kiện từng địa phương.
 
Đồng chí Trần Mạnh - Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn cho biết: "Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tổ chức Đoàn cơ sở, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là phát huy sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ Đoàn cùng với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thanh niên. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số; tổ chức Đoàn phải đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Không chỉ định hướng ngành nghề mà còn tạo cơ sở bảo lãnh cho thanh niên trong vay vốn, kinh phí phát triển kinh tế”.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đồng Khê, huyện Văn Chấn, năm 2014, đoàn viên Vũ Văn Doanh, sinh năm 1992 quyết định đầu tư kinh doanh đồ điện tử, điện lạnh các loại; đồng thời, khuyến khích và thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại Chi đoàn. Từ năm 2016 đến nay, công việc kinh doanh thuận lợi, Doanh mở rộng quy mô, tạo việc làm cho 2 ĐVTN với mức lương 4 triệu đồng/tháng; giúp đỡ thành viên trong CLB mở rộng 2 cơ sở gia công cơ khí, hàn xì.
 
Doanh chia sẻ: "Quả thực, mới bắt tay vào làm kinh tế em không mấy quan tâm đến hoạt động Đoàn tại cơ sở. Sau khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện trong phát triển kinh tế của cán bộ Đoàn cơ sở em đã nhận rõ được vai trò, trách nhiệm của một ĐVTN. Em mong muốn có thể phát huy sức trẻ, làm giàu, công hiến cho quê hương, đặc biệt là có thể giúp đỡ các bạn ĐVTN khác còn khó khăn có việc làm, vươn lên thoát nghèo. Càng tự hào và vui mừng hơn khi năm 2017 em đã chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
 
Vũ Văn Doanh chỉ là một trong số rất nhiều những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi của Huyện đoàn Văn Chấn. "Đánh” đúng và trúng tâm lý, nhu cầu thực tế của ĐVTN, năm 2017, Huyện đoàn Văn Chấn đã hướng dẫn, lập hồ sơ giúp đỡ xây dựng trên 8 mô hình thanh niên khởi nghiệp với mức giải ngân đạt trên 1,5 tỷ đồng; giải quyết, tạo việc làm cho 80 ĐVTN.
 
Đến nay, toàn huyện Văn Chấn có trên 90 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi; thành lập 5 CLB thanh niên làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như: mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của bạn Nguyễn Văn Đức - Bí thư Chi đoàn thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm; đoàn viên Dương Kim Quyết với dự án nuôi thỏ, đoàn viên Nguyễn Văn Trường, Hoàng Duy Điệp xây dựng mô hình trồng cam, chanh, bưởi ở xã Cát Thịnh.
 

Những hoạt động tình nguyện, xung kích vì cuộc sống cộng đồng thu hút đông đảo lực lượng ĐVTN tham gia.

Đối với huyện vùng cao Trạm Tấu, trước những khó khăn chung  trong hoạt động của các cơ sở đoàn, Huyện đoàn rất nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm thu hút, tập hợp ĐVTN. Hiệu quả nhất phải kể đến là hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng khai hoang ruộng bậc thang tại các thôn Sán Trá, xã Bản Công; xã Pá Hu, Xà Hồ… thu hút trên 5.000 ĐVTN tham gia. Các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng cũng chính là hoạt động được Huyện đoàn Lục Yên chú trọng.
 
Đồng chí Hoàng Trung Chinh - Bí thư Huyện đoàn chia sẻ: "Năm 2017, Huyện đoàn Lục Yên đã thực hiện trên 90 công trình, phần việc như: tu sửa trên 16km tuyến đường Liễu Đô - An Phú; tu sửa, mở rộng mặt đường và đào rãnh, san gạt mặt bằng gần 1,5km đường đất, đổ bê tông 130m đường, thu hút trên 1.200 lượt ĐVTN và nhân dân tham gia; trị giá các công trình ước tính trên 200 triệu đồng… Quả thực, chỉ khi có các hoạt động đoàn cụ thể và thiết thực, gắn với nhu cầu và thực tế tại địa phương mới có thể thu hút, tập hợp được đông đảo ĐVTN. Từ đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cơ sở đoàn, hoạt động Đoàn đi vào hiệu quả, có chiều sâu.
 
Thay lời kết

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở đoàn, các cấp bộ Đoàn cần có giải pháp xây dựng cơ sở đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động theo chủ đề; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức sinh hoạt theo hướng gắn tổ chức Đoàn với các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ thanh niên và giải quyết các vấn đề có liên quan đến học nghề, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên vùng nông thôn...
 
Đồng thời, hướng dẫn nội dung rèn luyện đoàn viên phù hợp nhiệm vụ và đặc thù đơn vị, địa phương; lựa chọn các nội dung phù hợp, thiết thực, coi trọng tính tự giác rèn luyện của đoàn viên; thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá hàng năm, có tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, nghiên cứu nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ĐVTN thông qua các hoạt động cụ thể và công tác thi đua đăng ký đảm nhận công trình, phần việc thanh niên…

Đoàn kết, tập hợp thanh niên, củng cố tổ chức Đoàn là nhiệm vụ quan trọng của các cấp bộ Đoàn.
Những hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực đã được đẩy mạnh thực hiện, dù bằng cách nào đi nữa, nguyện vọng lớn nhất của hầu hết ĐVTN đó chính là có được một môi trường thuận lợi để có thể phát huy năng lực, sức trẻ, sự cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước.
 
Muốn thực hiện thành công, yếu tố hàng đầu chính là đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt phải thẳng thắn nhìn nhận được hạn chế để từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả khắc phục khó khăn. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên để ĐVTN yên tâm gắn bó, tham gia hoạt động đoàn. Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức và lối sống trẻ cho ĐVTN.

Mai Linh

Các tin khác
Người dân phường Nguyễn Thái Học lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 2 và tháng 3/2018 tại điểm chi trả Bưu cục Yên Hòa, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người hưởng trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, BHXH tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai chi lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN tháng 2, tháng 3 năm 2018 qua hệ thống bưu điện.

Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải (thứ nhất bên phải) nhận Cờ thi đua xuất sắc trong Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an năm 2017.

YBĐT - Năm 2017, ngành giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái vinh dự được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà tết cho công nhân lao động tại công trường cầu Bách Lẫm.

YBĐT - Chiều 8/2, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã đến kiểm tra tiến độ thi công và thăm hỏi, tặng quà, chúc tết đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đang xây dựng công trình cầu Bách Lẫm và cầu Tuần Quán nhân dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Nét xuân.

YBĐT - Xuân đã đến. Trăm hoa đua nở, rót vào đời muôn vàn hương thơm sắc thắm. Chơi hoa ngày tết là thú vui tao nhã và đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục