Các văn bản đã ban hành cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong việc điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do Luật Ban hành VBQPPL có nhiều quy định mới mang tính đột phá nên việc xây dựng, soạn thảo VBQPPL của một số cơ quan chuyên môn còn lúng túng, đặc biệt là trong việc thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh như khâu xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết; đánh giá tác động của chính sách; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết; lấy ý kiến tham gia hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị quyết...
Mặt khác, các chính sách thường được các cơ quan thẩm quyền giao và chỉ đạo xây dựng đột xuất theo yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh nên các sở, ngành chưa chủ động được thời gian để thực hiện lập đề nghị xây dựng đối với các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đến nay, việc xác định VBQPPL ở một số cơ quan còn chưa cụ thể, rõ ràng. Ví dụ như, việc xây dựng quyết định của UBND tỉnh có nội dung theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật Ban hành VBQPPL là "Biện pháp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương”.
Đối với vấn đề này, các cơ quan cần xác định các quy phạm pháp luật trong dự thảo văn bản dự kiến trình UBND tỉnh ban hành phải bảo đảm các yếu tố như: không trái thẩm quyền, tức thẩm quyền này thuộc UBND tỉnh theo các quy định pháp luật hiện hành; không trái về nội dung, tức các quy phạm pháp luật trong dự thảo phải bảo đảm tính thống nhất với các VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và các quy phạm này, địa phương không được tự ý đặt ra trừ trường hợp VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên giao.
Trên thực tế, tại tỉnh Yên Bái đã có một số văn bản có nội dung theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật Ban hành VBQPPL nhưng lại ban hành theo thể loại văn bản thường. Về vấn đề này, Sở Tư pháp đã có công văn gửi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh về việc rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đối với 9 VBQPPL song lại ban hành theo thể loại văn bản thường.
Đối với cấp huyện, qua công tác kiểm tra đã đề nghị UBND một huyện xử lý bằng hình thức bãi bỏ 2 quyết định trái nội dung, trái thẩm quyền.
Trong thực hiện lập đề nghị xây dựng quyết định của UBND tỉnh, hiện, một số cơ quan trong quá trình thực hiện còn chưa bám sát quy định tại Khoản 2 Điều 127 Luật Ban hành VBQPPL nên văn bản lập đề nghị không cụ thể, rõ ràng, không có tính thuyết phục cao đối với cơ quan thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề nghị.
Ngoài ra, một số văn bản do các sở, ngành tham mưu vẫn còn chưa chú trọng về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; đã ban hành song chưa ấn định ngày có hiệu lực thi hành...
Do đó, để khắc phục những tồn tại trên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bảo đảm trình tự, thủ tục, thời gian các bước trong quy trình xây dựng VBQPPL, nhất là việc lập đề nghị xây dựng nghị quyết; lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo VBQPPL và thời gian gửi hồ sơ thẩm định.
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm chủ trì tham mưu rà soát VBQPPL thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; kịp thời tham mưu giúp cơ quan có thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền các VBQPPL không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hoặc tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hồng Oanh