Dù còn gặp nhiều khó khăn song được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh những năm qua đã thu được nhiều kết quả. Dù còn gặp nhiều khó khăn song được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh những năm qua đã thu được nhiều kết quả.
Hết năm 2017, toàn tỉnh còn 45.100 hộ nghèo, chiếm 21,79% số hộ. Với mục tiêu giảm 5% hộ nghèo trong năm nay, công tác giảm nghèo tiếp tục được tỉnh quan tâm, là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt mục tiêu giảm 5% số hộ nghèo, (riêng hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6,5%), theo kế hoạch, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chính sách và chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2018 của Yên Bái ước đạt hơn 3.800 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,26%; ngân sách địa phương 46,098 tỷ đồng, chiếm 1,21%; vốn vay tín dụng ưu đãi 2.690 tỷ đồng, chiếm 70,56%; vốn khác 37,150 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,97%. Theo đó, Chương trình 30a (thực hiện tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải) năm 2018, Trung ương bố trí 60,674 tỷ đồng gồm: vốn đầu tư phát triển 38,803 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 21,871 tỷ đồng.
Đối với vốn đầu tư phát triển, tỉnh thu hồi vốn ứng trước của 10 công trình 6,807 tỷ đồng, cấp vốn cho 3 công trình chuyển tiếp 12 tỷ đồng, đầu tư mới 9 công trình 19,906 tỷ đồng. Về vốn sự nghiệp, bố trí 4,073 tỷ đồng phục vụ duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo 17,385 tỷ đồng; bố trí 413 triệu đồng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đối với Chương trình 135, tổng vốn năm 2018 là 156,055 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư phát triển 116,202 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 39,853 tỷ đồng. Tỉnh đã bố trí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn 86,202 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 120 công trình (45 công trình chuyển tiếp 32.921 triệu đồng và 75 công trình khởi công xây dựng mới 53.281 triệu đồng); bố trí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, bản đặc biệt khó khăn 30 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn 27,462 tỷ đồng...
Ngoài hai chương trình lớn trên, Trung ương đã hỗ trợ Yên Bái 1,9 tỷ đồng phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; 1,338 tỷ đồng phục vụ truyền thông về giảm nghèo; 1,207 tỷ đồng để nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.
Qua đó, với 724 triệu đồng được bố trí cấp, 6 tháng qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã mở lớp tập huấn cho 619 học viên ở Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ nâng cao trình độ về công tác giảm nghèo.
Song song với chương trình, dự án giảm nghèo của Trung ương, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội khác được tỉnh tích cực triển khai.
Cụ thể, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh hỗ trợ cho 4.973 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với doanh số cho vay 197,066 tỷ đồng; bố trí 31,567 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; bố trí 121,590 tỷ đồng hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 2.886 hộ hộ chính sách người có công, hộ nghèo và hộ bị thiệt hại do bão lũ gây ra trong năm 2017; mua và cấp 539.671 thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...; 241,165 tỷ đồng hỗ trợ giáo dục; 1,156 tỷ đồng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg là 18,511 tỷ đồng (mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm đối với người thuộc hộ nghèo xã khu vực II và 100.000 đồng/người/năm đối với người thuộc hộ nghèo xã khu vực III).
Với 23.457 đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn, hiện nay, 100% đối tượng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế với kinh phí thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 60 tỷ đồng; 94 đối tượng yếu thế được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, tận tình tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Cùng với những chính sách thường xuyên, tỉnh còn tổ chức tiếp nhận, cấp phát 931.650 kg gạo cho các hộ bị thiếu lương thực trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất, dịp giáp hạt đầu năm, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách. Đồng thời, hỗ trợ đột xuất cho 54 trường hợp với kinh phí thực hiện 424,8 triệu đồng.
Có thể khẳng định, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của tỉnh, công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục thu được nhiều kết quả. Từ đó, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đề ra trong năm có khả năng thực hiện đạt và vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo cũng như an sinh xã hội tiếp tục thu được nhiều kết quả, cùng với đẩy mạnh các giải pháp việc giải ngân nguồn vốn, quản lý và đẩy nhanh tiến độ các công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng; các ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát đôn đốc để các chế độ, chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng, đảm bảo không thất thoát cũng như sự công bằng xã hội.
Nguyễn Đình