Thành phố Yên Bái nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/8/2018 | 11:05:01 AM

YBĐT - Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp, tích cực giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn, góp phần bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cán bộ y tế thành phố hướng dẫn người dân xã Tuy Lộc xử lý nước sinh hoạt sau mưa lũ.
Cán bộ y tế thành phố hướng dẫn người dân xã Tuy Lộc xử lý nước sinh hoạt sau mưa lũ.

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 19 - 21/7 vừa qua đã khiến gần 2.500 nhà và hơn 1.200 giếng đào trên địa bàn thành phố Yên Bái bị ngập. Ngay sau khi lũ rút, TTYT thành phố đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương cử cán bộ y tế về các địa phương bị ảnh hưởng do mưa lũ để hướng dẫn nhân dân cách xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường, đề phòng các dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
 
Trong 150 hộ của thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc thì có gần 100 hộ bị ngập do mưa lũ. Để giúp người dân xử lý nguồn nước giếng bị nhiễm bẩn, sớm có nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt, đồng thời, có biện pháp phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra, y sỹ Trần Văn Đoàn - cán bộ Trạm Y tế xã Tuy Lộc cho biết: "Để ngăn chặn tối đa dịch bệnh bùng phát sau lũ, chúng tôi đã kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình ô nhiễm nguồn nước, môi trường ở từng thôn, từng hộ để kịp thời có biện pháp xử lý triệt để nguồn nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho người dân, đảm bảo thanh khiết môi trường”.
 
Sau khi nước rút, gia đình bà Cao Thị Hải, thôn Bái Dương cũng như những hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ đã được cán bộ Trạm Y tế xã và cộng tác viên y tế thôn xuống tận nhà tuyên truyền kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường và cấp phát các loại thuốc khử trùng cần thiết.
 
Bà Hải cho biết: "Gia đình tôi cũng như các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ đã tích cực vệ sinh quanh khu vực mình sinh sống theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Chúng tôi đã thau rửa bể nước, giếng nước và dùng những hóa chất được cấp để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt, phòng tránh dịch bệnh”. 

Cùng với chủ động xử lý những sự việc phát sinh thì ngay từ đầu năm, TTYT thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sát với thực tế cơ sở; tăng cường cử cán bộ chuyên môn tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh và Sở Y tế tổ chức về phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố ghi nhận 287 ca cúm, 5 ca mắc virus Adeno, 6 ca mắc tay - chân - miệng, 20 ca thủy đậu và 1 ca mắc quai bị nhưng đều được điều trị kịp thời và không có tử vong.
 
Có được kết quả này là do 17/17 xã, phường trên địa bàn thành phố đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp dự phòng chủ động, tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, tập trung vào một số bệnh nguy hiểm như: tay - chân - miệng, dại, tả, cúm A/H5N1, H7N9, sốt xuất huyết, Zika để người dân được cung cấp đầy đủ các kiến thức phòng tránh, phát hiện các loại dịch bệnh, các biện pháp dự phòng cũng như có phương án xử lý kịp thời nếu bị bệnh; tích cực vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh giữ gìn môi trường sống trong lành, sạch bệnh.
 
Cùng với đó, Trung tâm cũng đã xây dựng và triển khai công tác vệ sinh môi trường, phun thanh khiết môi trường các khu vực trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch như bãi rác, chợ, bến xe, bến tàu, nhà ga, các trường học, bệnh viện, khu vực ổ dịch cũ và những nơi xảy ra ngập úng do mưa lũ.

Đồng chí Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc TTYT thành phố cho biết, nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các đơn vị tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng để nhân dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, giúp người dân thay đổi hành vi, thói quen, lối sống và biết cách tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng nơi sinh sống. Đồng thời, khuyến cáo người dân, khi có dấu hiệu lạ về bệnh thì cần phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. 

"Cùng với đó, tại các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương, giữ gìn vệ sinh, phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh” - Phó giám đốc Chiến chia sẻ.

Thanh Chi

Các tin khác
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.

Sáng nay (2/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai năm học 2018 - 2019.

Chính quyền xã Nghĩa An vận động gia đình ông Hà Văn Hơn nhanh chóng di dời về khu tái định cư.

YBĐT - Sau hoàn lưu cơn bão số 3, nhiều hộ dân ở thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đang phải đối diện với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt.

YBĐT - Thời gian gần đây, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của các thế lực thù địch trên Internet diễn ra rất quyết liệt và trên tất cả các lĩnh vực.

Cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ủng hộ đồng bào bị bão lũ.

YBĐT - Tính đến 15h ngày 1/8, đã có 107 đoàn, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh - Ban Cứu trợ tỉnh với tổng số tiền 8.266.759 đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục