Năm học 2018 - 2019 đã bắt đầu. Các nhà trường đã bảo đảm điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Yên quan tâm đầu tư. Đặc biệt, các trường học ở những nơi vừa có bão lũ đi qua hồi tháng 7 cũng đã đón các em tựu trường và bắt đầu công tác giảng dạy theo đúng chương trình.
Chuẩn bị cho năm học mới, các phòng học của điểm trường mầm non thôn 9 Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng đều được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp; góc học tập trang trí đẹp mắt, hấp dẫn với nhiều chủ đề, chủ điểm, gần gũi với học sinh. Để có được các điều kiện tốt nhất đón học sinh vào năm học mới, ngay từ những ngày cuối tháng 8, các cô giáo ở điểm trường này đã thường xuyên có mặt, phối hợp cùng các bậc phụ huynh vệ sinh khuôn viên trường lớp.
Cô giáo Vũ Thị Mát cho biết: "Sau trận lũ vừa qua, điểm trường bị bùn đất vùi lấp, ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở vật chất của nhà trường. Để bảo đảm chỗ học sạch sẽ, an toàn, ngay từ đầu tháng 8, các cô giáo tại điểm trường đã thường xuyên có mặt, cùng các phụ huynh nạo vét bùn đất, thu dọn cành cây, chỉnh trang bồn hoa cây cảnh, quét dọn phòng học, sân trường bảo đảm khi trẻ tựu trường sẽ có một khuôn viên xanh, sạch, đẹp, an toàn”.
Cùng với đó, các cô giáo ở điểm trường này đã dành nhiều thời gian cho việc trang trí lớp học, góc học tập với nhiều chủ đề, chủ điểm, nhiều sắc màu phong phú, sắp xếp lại bàn ghế, chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đón trẻ tựu trường.
Cũng là trường thuộc xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ tháng 7 vừa qua, Trường Tiểu học xã Phong Dụ Thượng đã bước vào năm học mới với cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy khang trang, sạch đẹp và hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên. Năm học này, nhà trường có 666 học sinh được bố trí học ở điểm trường chính trung tâm và 3 điểm lẻ thuộc các thôn Làng Ngõa, Khe Mạ, Khe Mạng.
Đến nay, 27 lớp học ở cả điểm chính và điểm lẻ đều đã bắt đầu một năm học mới. Để các em học sinh thật sự yêu trường, yêu lớp và mỗi ngày đến trường là một ngày vui, cuối tháng 8, nhà trường đã tiến hành vệ sinh sạch sẽ khuôn viên trường lớp học, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới.
Thầy giáo Lương Văn Thu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm học này, nhà trường sẽ thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học, tiến hành đưa 3 điểm lẻ thuộc thôn 8 Khe Dẹt, thôn 9 Bản Lùng và thôn 11 Khe Táu về điểm trường trung tâm. Chính vì vậy, số học sinh ở bán trú của nhà trường sẽ tăng, toàn trường có 215 em học sinh ở bán trú. Cùng với việc chuẩn bị phòng học, việc chuẩn bị chỗ ở cho học sinh cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Các thầy, cô giáo đã tiến hành vệ sinh phòng ở, lắp giường, làm dây phơi, móc treo quần áo, dọn dẹp nhà bếp bảo đảm mọi điều kiện sinh hoạt khi học sinh tựu trường”.
Giờ học của học sinh Trường THCS Mỏ Vàng.
Mỏ Vàng cũng là địa phương chịu ảnh hưởng không nhỏ của đợt mưa lũ vừa qua, song Trường Mầm non Mỏ Vàng đã đón các em học sinh vào năm học mới với một khuôn viên trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. Cô và trò nhà trường đã bắt đầu năm học mới thi đua dạy tốt, học tốt.
Cô giáo Vũ Thu Thủy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Mặc dù bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nhưng nhà trường đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón học sinh tựu trường. Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, các cô giáo đã có mặt tại trường dọn vệ sinh khuôn viên, quét dọn lớp học; đồng thời, xuống các thôn bản, đến từng hộ gia đình vận động học sinh đến trường… Mọi điều kiện về lớp học, bàn ghế, thiết bị, tài liệu dạy học đã được chuẩn bị, bảo đảm đủ điều kiện để dạy và học 2 buổi/ngày. Để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, nhà trường đã chú trọng đầu tư, trồng cây, tạo cảnh quan”.
Năm nay, Trường Mầm non Mỏ Vàng có 374 học sinh từ nhóm nhà trẻ đến 5 tuổi. Các em được bố trí học ở 1 điểm trường chính trung tâm và 5 điểm lẻ là thôn Khe Lóng 2, Khe Lóng 3, Khe Hóp, Khe Đâm, Giàn Dầu. Mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở tất cả các điểm trường đều đã ổn định để bắt đầu một năm học mới.
Năm học mới 2018 – 2019 này, huyện Văn Yên có tổng số 63 cơ sở giáo dục, Trong đó, có 26 trường mầm non độc lập, 7 trường tiểu học, 8 trường THCS, 20 trường tiểu học & THCS, 9 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS với tổng số trên 32.900 học sinh.
Theo ông Phạm Xuân Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD&ĐT huyện Văn Yên đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và đôn đốc UBND các xã, thị trấn chỉ đạo chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho năm học mới.
Các trường đã tu sửa cơ sở vật chất, kiểm kê, sắp xếp trang thiết bị, đồ dùng, tiến hành cho học sinh, giáo viên mượn sách; đồng thời, phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu và thực hiện tốt sự chỉ đạo của các cấp, các ngành bảo đảm tổ chức thực học theo đúng lịch chỉ đạo của UBND tỉnh.
Năm học 2018 - 2019, Văn Yên đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non, bảo đảm duy trì kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi và nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, nhất là việc đáp ứng nhu cầu cho trẻ 3, 4 tuổi ra lớp theo chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy.
Học sinh các trường thuộc 10 xã đặc biệt khó khăn của huyện, hàng năm đều được ưu tiên cấp phát sách giáo khoa bằng hình thức được nhà trường cho mượn đầu năm học. Đây là một trong những chính sách đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Năm học này, huyện Văn Yên cũng đã dành hơn 6 tỷ đồng phân bổ các trường học mua sắm trang thiết bị bàn ghế, sửa chữa công trình trường, lớp. Cơ sở vật chất của các bậc học đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ cho việc dạy và học của các nhà trường. Toàn huyện đã có trên 400 phòng học, trong đó có gần 200 phòng học kiên cố, còn lại là phòng học cấp 4; đặc biệt, chỉ còn 12 phòng học tạm, 12 phòng học mượn, cơ bản bảo đảm tốt công tác dạy và học.
Thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác huy động, duy trì số lượng học sinh, giảm thiểu số học sinh bỏ học, nâng cao tỷ lệ chuyên cần.
Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi; giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, giáo dục mũi nhọn; tăng cường chuẩn bị Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số.
Thu Nhài – Lan Hanh