Theo báo cáo chỉ số PCI năm 2017, tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 46/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2016 và 5 bậc so với năm 2015). Yên Bái có 3 chỉ số tăng điểm, gồm: hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Năm 2017, chỉ số đào tạo lao động đạt 6,22 điểm, xếp thứ 40, so với năm 2016 tăng 0,90 điểm và tăng 12 bậc (tỉnh trung bình 6,45 điểm, tỉnh thấp nhất 5,09 điểm, tỉnh cao nhất 8,17 điểm).
Qua khảo sát, đã có nhiều hơn số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm trong tỉnh (54%) và 62% doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm; 77% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm; 86% tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhận định chỉ có 45% tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp; 49% tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt và 25% tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt.
Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Trong 7 tháng đầu năm 2018, với sự nỗ lực của các ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp… toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 8.892/15.800 người, đạt 56,3% so với kế hoạch; trong đó, có 2.332 người học nghề theo Đề án 1956. Có thể khẳng định, vai trò quan trọng của công tác giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, đã từng bước đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước".
"Đặc biệt, Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đã trang bị cho nông dân có kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp để áp dụng trong cuộc sống sản xuất, phát triển kinh tế hộ và tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện nay đào tạo nghề ở một số địa phương chưa thực sự gắn với giải quyết việc làm; các địa phương đào tạo nghề còn chạy theo chỉ tiêu được giao, chưa chú trọng đến đầu ra; đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương…”, ông Giang nói.
Để nâng cao chỉ số về đào tạo lao động, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Yên Bái sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ đào tạo nghề có chất lượng, đảm bảo thành thạo kỹ năng nghề; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung ứng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dịch vụ đào tạo nghề.
Đặc biệt, liên quan đến chỉ số đào tạo lao động; đẩy mạnh rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia cung ứng dịch vụ đào tạo nghề nghiệp gắn với việc kiểm tra chặt chẽ chất lượng đào tạo và đầu ra; khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao; thường xuyên thông báo công khai về số lượng, chất lượng, ngành nghề, loại hình được đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp nắm bắt thông tin, phục vụ công tác tuyển dụng.
Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn nhằm đưa thông tin tuyển dụng đến với người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Đổi mới đa dạng hoá các loại hình và ngành nghề đào tạo để tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo đã tác động đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của tỉnh. Đây cũng là điều kiện để Yên Bái phát triển nhanh và bền vững.
Phạm Quang