Là một trong những huyện nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thấp kém, 88,6% lực lượng lao động của huyện là lao động nông nghiệp nên tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trạm Tấu còn chậm.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn hạn chế, năng lực công tác của cán bộ cấp xã không đồng đều, việc chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo ở cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận không nhỏ các hộ nghèo không muốn thoát nghèo.
Nhưng từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Trạm Tấu đã huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao.
Các chương trình giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở, nước sinh hoạt... tạo điều kiện, động lực để hộ nghèo cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.
Mặt khác, trên cơ sở đề án đã phê duyệt, các ngành của huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các lĩnh vực liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch hàng năm và cho cả giai đoạn để tổ chức thực hiện.
Do đó, cơ bản đã khắc phục những hạn chế trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo như: chỉ đạo quyết liệt hơn, tập trung hơn, các giải pháp toàn diện hơn, bao gồm cả hỗ trợ sản xuất, đào tạo nâng cao dân trí, chính sách cán bộ và chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng. Qua đó, huyện cân đối lại nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình dự án, chính sách trên địa bàn huyện nghèo để lồng ghép, phối hợp có hiệu quả hơn.
Mặc dù nguồn kinh phí của Chương trình 30a chỉ đạt 9,5% so với các mục tiêu của Nghị quyết song các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác đã đáp ứng được 48% nhu cầu vốn của đề án.
Thông qua dự án ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã hỗ trợ nhiều loại công cụ máy móc, vật nuôi phục vụ trực tiếp cho lao động sản xuất của người dân. Người dân được tham gia trực tiếp vào các mô hình trong sản xuất, được tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, từ đó, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất cho các loại cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn huyện.
Riêng năm 2018, Trạm Tấu được đầu tư 8 công trình cơ sở hạ tầng, tổng nguồn vốn kế hoạch 15.875 triệu đồng; 5.410 hộ gia đình được giao khoán bảo vệ rừng với tổng số diện tích rừng đã giao khoán 33.018,1 ha, tổng kinh phí đã hỗ trợ 6.157,9 triệu đồng.
Ngoài ra có 1.724 lượt hộ được hỗ trợ giống lúa với kinh phí 837 triệu đồng; 1.649 lượt hộ được hỗ trợ giống ngô, kinh phí 1.213,525 triệu đồng; 1.467 hộ với 6.879 khẩu được hỗ trợ 112.485 kg gạo cứu đói; 33 người được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 132% kế hoạch với các thị trường xuất khẩu lao động chính: Hàn Quốc và Ả-Rập Xê-Út.
Đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu cho biết: "Trong 3 năm, từ 2016-2018, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đạt 7,2%. Cụ thể: Năm 2016 giảm 8,1%, năm 2017 giảm 7% và năm 2018 dự kiến giảm 6,5% trở lên”.
Thời gian tới, Trạm Tấu mong muốn Chính phủ bố trí kinh phí tăng thêm cho huyện để huyện chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư các công trình trên địa bàn nên quy định chung chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng nước áp dụng cho các hộ nghèo ở huyện nghèo. Tỉnh cần vận động các nguồn lực từ cộng đồng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đỡ đầu cho huyện.
Ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ngay từ đầu năm, chỉ đạo các ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn các huyện trong xây dựng các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện. Bổ sung vốn bảo vệ rừng năm 2018 còn thiếu so với định mức quy định...
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn
2016 - 2020 trên địa bàn huyện Trạm Tấu cần khắc phục một số hạn chế. Đó là:
công tác xây dựng và triển khai kế hoạch ở một số xã còn chậm, thiếu khoa học;
sự phối hợp giữa các ngành có lúc chưa thật sự đồng bộ; thủ tục hành chính đối
với công tác đầu tư xây dựng còn nhiều nội dung chồng chéo, gây khó khăn cho cơ
sở thực hiện; thời gian triển khai thực hiện các chương trình đầu tư hỗ trợ chủ
yếu vào giữa năm, nên gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, bình xét tại các
thôn, bản; việc giải ngân chưa triệt để làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các
chương trình đầu tư... |
Thành Trung