Mô hình "xe buýt” đưa đón học sinh được triển khai tại Trường THPT Văn Chấn (xã Cát Thịnh) gần 4 năm nay đã và đang mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực. Không chỉ bảo đảm an toàn cho các em học sinh trên đường đến trường mà còn giúp các gia đình quản lý con em tốt hơn, duy trì khả năng chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường THPT Văn Chấn nằm trên địa bàn xã Cát Thịnh, gồm 934 học sinh chia làm 3 khối lớp học. Đa phần học sinh đều ở các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, trong đó xa nhất là xã Đại Lịch, cách trường 25 km.
Do vậy, việc đi lại học hành của các em gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), thậm chí nhiều học sinh phải thuê phòng ở trọ vừa tốn kém trong khi gia đình lại không quản lý được con, em mình.
Trước tình hình đó, nhiều bậc phụ huynh đã cùng bàn bạc, thống nhất thuê xe đưa đón, con em mình đi học. Manh nha từ một vài hộ gia đình đến nay số học sinh tham gia di chuyển bằng "xe buýt” đã chiểm khoảng 50% số lượng học sinh trong toàn trường.
Có mặt tại cổng trường đúng dịp tan tầm, sau tiếng trống, chúng tôi thấy hàng trăm học sinh vai đeo ba lô, cặp sách ùa ra cổng phụ ra nơi tập kết bãi xe. Hơn chục chiếc xe loại từ 29 đến trên 40 chỗ đã nổ máy, sẵn sàng di chuyển.
Anh Nhâm Văn Trường, lái xe tuyến Chợ Chùa, Chấn Thịnh cho biết: "Đây là năm thứ 4 tôi tham gia vận chuyển, đưa đón học sinh đi học. Ban đầu chỉ có một vài em nhưng giờ gần như tất cả các gia đình ở xa đều cho con, em di chuyển theo hình thức này”.
Qua tìm hiểu, đa phần các em học sinh đều nhận thức được lợi ích của việc di chuyển bằng "xe buýt” khi đi học.
Em Hoàng Kim Oanh, lớp 10A3, Trường THPT Văn Chấn cho biết: "Nhà em ở thôn Lan 1, xã Chấn Thịnh, cách trường 21 km nên đi học có xe đưa đón rất tiện lợi. Nhiều khi ngồi trên xe có thể học bài, trao đổi học tập với các bạn”.
Mặc dù vậy, theo nhiều bạn, việc di chuyển bằng xe buýt cũng có một số hạn chế do các em không chủ động được thời gian của mình, nhiều khi tan sớm nhưng phải đợi các bạn tiết sau rồi khi học thêm, ít người phải tự túc đi học.
Theo cô giáo Hoàng Thị Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C3, Trường THPT Văn Chấn, lớp có 38 học sinh, nhà đa phần ở các xã vùng ngoài nên chủ yếu các gia đình cho xe "buýt” đưa đón đi học. Việc này vừa giúp các em đi học đúng giờ, an toàn lại giúp cho gia đình quản lý tốt hơn, chất lượng học tập được nâng lên.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Văn Chấn Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Mô hình đưa đón học sinh này mang lại nhiều lợi ích, trong đó rõ nhất là giảm tải tình trạng mất ATGT cho học sinh và bạo lực học đường ngoài trường học. Bên cạnh đó, các em học sinh đi học và về đúng giờ, nhà trường quản lý được việc chuyên cần của các cháu. Nhờ đó, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên”.
Cũng theo thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, để bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh, nhất là việc hạn chế đi bằng xe đạp điện, xe máy dưới 50 phân khối mà tham gia di chuyển bằng xe "buýt”. Ngoài ra, trường yêu cầu các lái xe thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh như: đóng cửa khi di chuyển, không chở quá người, đưa đón đúng giờ...
Có thể nói, mô hình "xe buýt” đưa đón học sinh tại Trường THPT Văn Chấn nói riêng và nhiều trường học trên địa bàn tỉnh nói chung đang mang lại những hiệu quả, lợi ích nhất định. Tuy nhiên, để bảo đảm ATGT, giữa nhà trường, hội phụ huynh và nhà xe phải có những ký kết với điều khoản chặt chẽ đồng thời ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật của xe và người lái để tránh những va chạm, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Hùng Cường