Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) năm 2018 đạt 6,31% (kế hoạch là 6,3%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 33,6 triệu đồng (kế hoạch là 31 triệu đồng); tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 307.405 tấn (kế hoạch là 300.000 tấn).
Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, thêm 13 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 48 xã, chiếm 30% làm bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao ngày thêm khởi sắc.
Kết quả trên là kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó có đóng góp của việc nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập; xác định tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí trong phát triển kinh tế - xã hội, với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở, trong đó vai trò nòng cốt là hội khuyến học các cấp.
Năm 2018, toàn tỉnh có 122.000/212.631 gia đình đạt Gia đình học tập, chiếm 57,48%; 230/454 dòng họ đạt Dòng họ học tập, chiếm 50,6%; 1.282 thôn, bản đạt cộng đồng/thôn học tập, chiếm 58,2%; 426 đơn vị đạt Đơn vị học tập, chiếm 76,6%; 73 xã, phường đạt Cộng đồng học tập cấp xã, chiếm 40,5%.
Tại nhiều địa phương, các mô hình học tập được gắn kết với các phong trào như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo”...
Để bổ sung kiến thức cho người dân, bên cạnh tổ chức đào tạo nghề cho hơn 16.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động trên địa bàn tỉnh qua đào tạo lên trên 50%, năm 2018, trung tâm học tập cộng đồng các xã đã tạo điều kiện học tập thường xuyên cho 61.690 lượt người dân, lao động phổ thông những kiến thức về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa điện tử, điện dân dụng...
Từ phong trào tự học của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ từ vùng thấp đến vùng cao đã thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, chăm sóc sức khỏe tại mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư.
Không chỉ cung cấp cho thị trường lao động nguồn lao động có chất lượng, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên 5.000ha tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; vùng ngô hàng hóa 15.000ha tại Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; vùng chè 9.000ha tại Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên; vùng sắn cao sản 8.000ha tại Văn Yên; vùng măng tre Bát độ trên 3.000ha tại Trấn Yên; vùng quế trên 30.000ha tại Văn Chấn, Văn Yên; vùng sơn tra tại Mù Cang Chải, Trạm Tấu…
Nhiều trang trại chăn nuôi đại gia súc bán chăn thả, chăn nuôi lợn, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp; một số làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, rèn, mây tre đan; hình thành một số điểm du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng tâm linh... đã đem lại thu nhập cũng như làm thay đổi bộ mặt mỗi miền quê.
Những đóng góp tích cực của công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ góp phần không nhỏ hoàn thành mục tiêu xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển toàn diện.
Đình Tứ