Xã An Lạc, huyện Lục Yên có nhiều hộ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình từ trồng và chế biến măng tre. Do vậy HPN xã đã hỗ trợ để chị em thành lập nhóm sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng.
Chị Vũ Thị Hồng Duyên - Chủ tịch HPN xã An Lạc cho biết: "Ban đầu chúng tôi phải tự đi bán và giới thiệu sản phẩm măng khô của mình ở các chợ lân cận, song tiêu thụ rất chậm. Năm 2018 tổ sản xuất măng khô của chúng tôi được Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ thuộc HPN tỉnh hỗ trợ đưa sản phẩm của chúng tôi về giới thiệu và bán tại Trung tâm. Nhờ đó, nhiều khách hàng đã đặt hàng với số lượng lớn, sản phẩm của chúng tôi có đầu ra ổn định hơn, chị em tích cực tham gia. Vụ măng năm vừa rồi chúng tôi thu được gần 2 tỷ đồng”.
Còn ở xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn cuối năm 2018 hội viên phụ nữ tại thôn Chùa 1 cũng được các cấp hội giúp đỡ để thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Chấn Thịnh. Đây là HTX do phụ nữ làm chủ, gồm 20 thành viên tham gia.
Chủ yếu là sản xuất phân viên nén dúi sâu, trồng các loại cây ăn quả có múi, nuôi tằm và dịch vụ nông nghiệp. Các thành viên trong HTX tổ chức chặt chẽ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, cùng giúp nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Năm 2018 HPN tỉnh đã triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; xây dựng chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giới thiệu các gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, phụ nữ làm kinh tế giỏi trên trang thông tin, trang fanpage của Hội trên mạng xã hội.
Ngoài ra, các cấp Hội cũng tổ chức tuyên truyền các nội dung của Đề án, thông qua sinh hoạt tổ nhóm, câu lạc bộ, các mô hình hoạt động của Hội; phối hợp với Liên minh HTX tiếp tục tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Luật HTX năm 2012; vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể, tạo cơ hội cho các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau thúc đẩy quá trình liên kết, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh; tổ chức tư vấn, hướng dẫn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, cách thức thành lập tổ hợp tác, HTX tại cơ sở; biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp, kinh doanh sáng tạo cho phụ nữ, cấp phát tới 100% cơ sở Hội trên địa bàn toàn tỉnh làm tài liệu giúp cho các cấp Hội tuyên truyền về Đề án.
Để thực hiện đồng bộ các hoạt động về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh các cấp Hội ủy thác với các ngân hàng, tranh thủ các chương trình tín dụng khác để giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế. Hội phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối, xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm của hội viên phụ nữ trong tỉnh. Nhờ vậy, năm 2018, HPN tỉnh đã duy trì có hiệu quả 4 HTX, 5 tổ hợp tác và phối hợp hỗ trợ trên 434 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: "Năm 2019 HPN tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để chị em hiểu các chủ trương, chính sách về khởi nghiệp. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu ít nhất 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và cán bộ tham gia triển khai Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động: tư vấn, kết nối, hỗ trợ vốn vay, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm của phụ nữ để hội viên có điều kiện khởi nghiệp”.
Minh Huyền