Năm học 2018 - 2019, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS xã Mồ Dề là một trong 8 trường trên địa bàn huyện được hưởng lợi từ Dự án Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học do Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) tài trợ.
Dự án này được triển khai tại 3 lớp 1, mỗi lớp có 1 giáo viên trực tiếp giảng dạy và 1 giáo viên trợ giảng song song giữa tiếng Việt và tiếng Mông. Với phương pháp này đã giúp các em học sinh lớp 1 nắm bắt được kiến thức một cách nhanh nhất.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Đam - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Bước đầu triển khai dự án, có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được cấp văn phòng phẩm, sách giáo khoa đầy đủ. Đồng thời việc có giáo viên trợ giảng, giúp các em phát âm tốt môn tiếng Việt”.
Với mục tiêu khơi dậy phong trào thi đua lao động sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh, Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha đã chú trọng tới công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên.
Khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin và các sáng kiến khoa học vào công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh yếu kém. Mỗi tiết học, thầy, cô giáo đều dành thời gian cho học sinh thảo luận nhóm, nhằm giúp các em tư duy tốt và chủ động trong việc xây dựng bài, vở.
Năm học 2017 - 2018, nhà trường có 55 cán bộ, giáo viên và 762 học sinh với 23 lớp học. Với sự nỗ lực của nhà trường, tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi vào lớp 1 đạt 108% so với kế hoạch giao. Lực học của học sinh đều đạt trung bình trở lên, không có học sinh yếu, kém; không có học sinh hạnh kiểm yếu.
Toàn trường có 40 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, 13 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện 2 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen, tập thể nhà trường đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Năm học 2018 - 2019, Trường có tổng số 817 học sinh với 26 lớp học (tăng 3 lớp, 55 học sinh so với năm học trước).
Thầy giáo Lê Tiến Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để học sinh yên tâm học tập, nhà trường đã đầu tư xây dựng mới một nhà ở bán trú với 12 phòng ở và 78 giường nằm cho học sinh. Hiện nay, đã cơ bản có đủ phòng ở bán trú giúp các em yên tâm có chỗ ăn, nghỉ để học tập tốt”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tập trung chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện nghiêm túc việc phân phối chương trình, bài giảng có sử dụng thiết bị theo đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh. Đặc biệt là duy trì tốt phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Năm học này, Mù Cang Chải có 38 đơn vị trường học với gần 20.000 học sinh ở các cấp học, trong đó có 20 trường PTDTBT. Cơ sở vật chất trường học đã được đầu tư đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng được bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã có 5 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù vùng cao.
Các trường sử dụng hiệu quả đồ dùng, thiết bị dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đặc biệt để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải đã và đang xây dựng nhiều giải pháp học tập lành mạnh, bổ ích cho học sinh dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động đặc thù như giáo dục văn hóa dân tộc, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề…, tập trung vào thực hiện tốt Đề án nâng cao tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, để giúp các em có khả năng giao tiếp và tiếp cận kiến thức mới tốt hơn.
Sùng A Hồng