Theo các chuyên gia y tế, cách phòng, chống hữu hiệu là tiêm bổ sung vắc xin sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn lo ngại những phản ứng sau tiêm chủng vắc xin nên chưa sẵn lòng đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã trao đổi với Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế.
PV: Xin bà cho biết tình hình diễn biến bệnh sởi trên địa bàn tỉnh hiện nay? Có phải đối tượng dễ mắc sởi nhất là trẻ nhỏ?
Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân: Tại Yên Bái, từ ngày 19/2/2019, đã ghi nhận 24 ca mắc sởi và nghi mắc sởi rải rác tại 7/9 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Yên Bái 7 ca, Yên Bình 3 ca, Văn Chấn 8 ca, Văn Yên 3 ca...).
Trong đó, ngày 29/1/2019 ghi nhận 1 ổ dịch với 6 ca mắc tại Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Hầu hết, các trường hợp mắc sởi đều chưa được tiêm phòng vắc-xin. Đối tượng dễ mắc sởi nhất là trẻ nhỏ vì cơ thể trẻ dễ cảm nhiễm với bệnh.
Tuy nhiên, người lớn nếu chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc chưa bị mắc sởi trong quá khứ thì cũng dễ mắc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thì trong tổng số 24 ca bệnh có 12 ca là trẻ dưới 15 tuổi, chiếm 50%, trong đó, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có 8 ca, chiếm 33,3%.
Qua theo dõi dịch tễ, dịch sởi có chu kỳ 4 - 5 năm quay lại một lần. Tại miền Bắc, năm 2013 - 2014, đã xảy ra vụ dịch sởi lớn, trong đó, có Yên Bái do lũy tích những trẻ chưa được tiêm phòng sởi. Điều đó cho thấy, nếu công tác tiêm chủng mở rộng không được tốt thì nguy cơ xảy ra dịch là rất cao.
PV: Bà có thể cho biết thông tin về loại vắc xin sởi - Rubella?
Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân: Vắc xin sởi - Rubella là vắc-xin phối hợp để phòng đồng thời hai bệnh sởi và bệnh Rubella. Đây là vắc-xin sống, giảm độc lực. Vắc-xin sởi - Rubella hiện đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng do Việt Nam sản xuất dưới dạng bột, đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung môi pha hồi chỉnh, vắc xin đóng 10 liều/lọ trong lọ thủy tinh màu nâu, khi tiêm bắt buộc phải pha hồi chỉnh trước khi sử dụng.
Bệnh sởi và Rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc-xin sởi - Rubella là cách duy nhất phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Cũng như các vắc-xin khác, tiêm vắc-xin sởi - Rubella không có hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc-xin, loại vắc-xin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
PV: Được biết, hiện nay cách phòng, chống dịch sởi hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin sởi - Rubella nhưng nhiều bà mẹ đang e ngại phản ứng sau tiêm. Vậy, để rộng đường dư luận, xin bà cho biết rõ về vấn đề này?
Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân: Cũng như các vắc-xin khác, vắc xin sởi - Rubella là vắc-xin an toàn, tuy nhiên, những phản ứng phụ có thể gặp là đau, sưng và ban đỏ tại chỗ tiêm. Phản ứng thường nhẹ và hết sau 1 - 4 ngày, những phản ứng toàn thân như sốt, mỏi mệt, khó chịu, quấy khóc, ho, đau họng, sổ mũi, tiêu chảy cũng có thể xảy ra ở một vài trẻ em, thường kéo dài từ 1 - 3 ngày rồi tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy vậy, rất nhiều bà mẹ e ngại những phản ứng sau tiêm này mà không tích cực, chủ động đưa con đi tiêm chủng.
Trên thực tế, sử dụng khoảng 4 triệu liều vắc-xin sởi - Rubella do Việt Nam sản xuất từ đầu năm 2018 tới nay, chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nghiêm trọng nào. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, rất hiếm gặp các trường hợp nặng như: co giật, suy hô hấp, hạ huyết áp, viêm não hay giảm tiểu cầu với tỷ lệ chưa đến 1/triệu liều.
Vì vậy, để tăng tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo đạt tỷ lệ phòng dịch bệnh thì cần tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.
Thực hiện nghiêm túc quy trình về tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế từ khâu tiếp đón, khám sàng lọc, thực hiện tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng và đặc biệt là hướng dẫn các bà mẹ theo dõi, phát hiện các dấu hiệu bất thường như quấy khóc kéo dài, bỏ bú, sốt cao co giật, tím tái… để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
PV: Với cương vị là lãnh đạo ngành y tế, bà có khuyến cáo gì?
Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân: Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, để phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ cần thực hiện những nội dung sau: Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc-xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, ở nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Trần Minh (thực hiện)