Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP) trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, những năm gần đây, công tác xã hội hóa các hoạt động BTTP, gồm: công chứng, luật sư, giám định tư pháp, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL)... đã được tỉnh quan tâm thực hiện.
Toàn tỉnh hiện có 5 tổ chức hành nghề công chứng với 10 công chứng viên. Năm 2018, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện hơn 8.300 việc; chứng thực gần 38.000 bản sao từ bản chính bảo đảm trình tự, thủ tục giải quyết đúng quy định.
Hoạt động công chứng đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người dân, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, hạn chế rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp; phòng ngừa vi phạm pháp luật; hướng các doanh nghiệp, tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch tuân thủ đúng pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh có 4 tổ chức hành nghề luật sư, 1 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Đoàn Luật sư tỉnh có 15 luật sư (trong đó, không bao gồm luật sư là thành viên đoàn luật sư địa phương khác làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh).
Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/6/2018, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã tham gia giải quyết 62 vụ, việc. Nhìn chung hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trong các quan hệ pháp luật, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tố tụng trong các vụ án chỉ định.
Trong quá trình hành nghề, các luật sư đã nêu cao vai trò trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, qua đó thực hiện tốt chức năng xã hội của luật sư. Về giám định tư pháp, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập, gồm: Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) và Trung tâm Pháp y (Sở Y tế).
Đối với các lĩnh vực không thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập, tỉnh đã chỉ đạo các ngành củng cố, phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ, việc.
Thực hiện xã hội hóa hoạt động TGPL, ngoài Trung tâm TGPL tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có 2 tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL, 5 luật sư đăng ký tham gia TGPL theo Luật Luật sư, 95 cộng tác viên không phải là luật sư tham gia TGPL. Xã hội hóa hoạt động TGPL đã góp phần chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; giúp hoạt động tham gia tố tụng ngày càng đi vào nề nếp, ổn định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động BTTP, thời gian tới, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về BTTP cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động; tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng về hoạt động của các tổ chức hành nghề ngoài công lập trong lĩnh vực BTTP; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về BTTP như: Luật Luật sư, Luật Công Chứng, Luật Giám định tư pháp...
Nhằm thu hút, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa hoạt động BTTP cần có các biện pháp, chính sách ưu đãi như: ưu đãi về thuế, hỗ trợ trong việc thuê cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tư vấn cho cá nhân, tổ chức lựa chọn lĩnh vực tham gia xã hội hóa. Các cơ chế, chính sách cần được quy định rõ, nhất quán và lâu dài tạo niềm tin, động lực thúc đẩy cá nhân, tổ chức mạnh dạn tham gia, đầu tư vào hoạt động BTTP.
Cùng đó, tăng cường quản lý Nhà nước thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BTTP, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực BTTP.
Hồng Oanh