Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Ðông sang châu Âu. Cơ quan chức năng các nước châu Âu đã điều tra, khám phá hàng nghìn vụ việc mua bán người và mua bán nội tạng xuyên quốc gia, khu vực.
Tại Việt Nam, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/5/2018, toàn quốc phát hiện 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. So với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015, giảm 22% số vụ, 32% số đối tượng và 8% số nạn nhân; trong đó, nổi lên thực trạng người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan hoạt động tội phạm này.
Các đối tượng thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa bán phụ nữ. Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, công tác phòng, chống mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.
Ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2546/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020. Qua hơn hai năm (2016 - 2018), các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ với những hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.
Với vai trò là cơ quan thường trực, chuyên trách, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản triển khai Luật Phòng, chống mua bán người; phê duyệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người và các đề án trong từng giai đoạn.
Ðáng chú ý, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan mua, bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Ngày 3/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán người ra nước ngoài.
Ở Yên Bái, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông sinh sống tại những vùng hẻo lánh rất dễ bị kẻ xấu lừa gạt bán sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận xảy ra 6 vụ mua bán người (giảm 4 vụ so với năm 2017); trong nửa đầu năm 2019 cũng đã xảy ra 2 vụ, 2 nạn nhân.
Thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người không hề mới. Chúng dùng điện thoại, mạng xã hội và gặp trực tiếp nạn nhân để rủ đi lấy chồng Trung Quốc. Chúng còn giả vờ tìm hiểu, yêu đương, đưa về thăm gia đình để đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán cho những người đàn ông làm vợ.
Nhằm mục tiêu góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc và nâng cao nhận thức, thay đổi hành động toàn dân trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm mua bán người, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch Triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2019.
Theo đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
Cùng đó, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; lựa chọn một số vụ án tổ chức xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đấu tranh phòng ngừa chung trong nhân dân và răn đe tội phạm; giải cứu và bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán.
Đồng thời, tổ chức tốt đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người qua biên giới (đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc) theo kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán; tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong công tác hỗ trợ nạn nhân.
Lê Phiên