Sở phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ngành thành viên tổ chức triển khai công tác PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn (2003-2019), Sở Tư pháp tổ chức 87 hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho 10.700 lượt hòa giải viên và nhân dân; 12 hội nghị, 57 đợt tuyên truyền pháp luật tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và các trường THPT trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 18.000 lượt người tham gia.
Sở tham gia biên soạn, phát hành 60 số Bản tin tư pháp với gần 49.000 cuốn, 6 số Bản tin chuyên đề với trên 5.550 cuốn, 3 bộ sách về nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở với 10.080 cuốn, 13 bộ sách Hỏi - Đáp pháp luật với trên 18.000 cuốn...
Ngoài ra, Sở Tư pháp còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi: Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hòa giải viên giỏi, Cán bộ tư pháp - hộ tịch giỏi, Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Tìm hiểu Bộ luật Hình sự.
Sở phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật, bổ sung đầu sách pháp luật cho tủ sách pháp luật của các sở, ngành, đoàn thể nên đã thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hiện tại, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có tủ sách pháp luật.
Phát huy hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của các tổ hòa giải. Đối với các vụ việc vượt quá quyền hạn, cán bộ hòa giải cơ sở hướng dẫn các bên đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Hoạt động hòa giải đã góp phần giữ vững an ninh trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Trung tâm TGPL tỉnh (trực thuộc Sở Tư pháp) đã tham gia tích cực vào quá trình giải quyết các vụ án, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chính sách TGPL trong hoạt động tố tụng, từ đó thực hiện tốt công tác phối hợp thông qua việc giúp người dân tìm hiểu các quy định của pháp luật về TGPL, hướng dẫn người dân đến các tổ chức thực hiện TGPL để được tư vấn pháp luật hoặc cử người tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Giai đoạn (2003-2019), Trung tâm TGPL tỉnh thực hiện TGPL 12.000 vụ, việc và 67 đợt TGPL lưu động tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn. Hoạt động TGPL đã góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tạo cơ hội cho mọi công dân được tiếp cận với dịch vụ TGPL; đáp ứng yêu cầu của người được TGPL như: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, hòa giải; giúp người dân xây dựng nếp sống văn minh "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục làm tốt công tác tư vấn, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác PBGDPL; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường đổi mới, cải tiến các hình thức tuyên truyền PBGDPL nhằm truyền tải các nội dung pháp luật đến các đối tượng và người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11); tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tỉnh.
Hồng Oanh