Từ sự vào cuộc của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân, sau 3 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Sau sắp xếp, đến tháng 7/2019, toàn tỉnh còn 402 trường, 385 điểm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập với 5.953 lớp, 189.011 học sinh, 24.056 học sinh bán trú. So với trước khi thực hiện Đề án, giảm 127 trường, 380 điểm trường, 182 lớp; tăng 16.079 học sinh, 9.428 học sinh bán trú.
Cùng mạng lưới trường lớp, đội ngũ công chức, viên chức trong ngành giáo dục cũng được bố trí, sắp xếp từng bước hợp lý để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm 31/5/2019, tổng số lao động giáo dục khối huyện là 12.369 người, tỷ lệ biên chế giáo viên hiện có so với định mức theo quy mô năm học 2018 - 2019 đạt 93,1% (mầm non 90,8%, tiểu học 95,4%, trung học cơ sở 93,1%).
Thực hiện và đảm bảo mục tiêu Đề án, đảm bảo nhu cầu dạy và học cũng như bán trú của học sinh, giai đoạn 2016 - 2019, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm xây dựng. Theo đó, toàn tỉnh đã triển khai 315 dự án xây dựng cơ sở vật chất, tổng mức đầu tư đã phê duyệt 567.665 triệu đồng.
Đến nay, đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 249 danh mục dự án với tổng số vốn giải ngân trên 404 tỷ đồng, cụ thể: hoàn thành xây dựng 617 phòng học (xây mới 491 phòng, cải tạo sửa chữa 44 phòng, di dời 82 phòng), đạt 71% so với Đề án; hoàn thành xây dựng 338 phòng ở cho học sinh bán trú, đạt 77,3% so với Đề án; xây dựng 55 bếp - phòng ăn, đạt 90,2% so với Đề án; xây dựng 93 nhà vệ sinh, đạt 105,7% so với Đề án; xây dựng 48 nhà tắm và 16 phòng ở giáo viên, đạt 8,2% so với Đề án; đầu tư 1.700 giường tầng, đạt 45% so với Đề án; hoàn thành mở rộng quỹ đất 122.239m2, đạt 73,4% so với Đề án.
Theo lộ trình, đến hết năm 2019, dự kiến thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình, huyện Trạm Tấu sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất theo mục tiêu Đề án.
Từ sắp xếp, toàn tỉnh hiện có 50 trường phổ thông dân tộc bán trú và 55 trường có học sinh bán trú với quy mô 24.056 học sinh, tăng 9.428 học sinh bán trú do chuyển về học tại điểm trường chính. Để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là sau sáp nhập các điểm trường lẻ, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, nắm tình hình tại các cơ sở; chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung bổ sung các điều kiện thiết yếu như xây dựng các công trình phụ trợ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh, phát động các phong trào "tương thân, tương ái”, đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bán trú...
Ngành giáo dục và các địa phương, các nhà trường đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đặc thù, giáo dục kỹ năng sống trong các trường chuyên biệt như: tổ chức triển khai việc giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông cho 100% học sinh lớp cuối cấp; đẩy mạnh các hoạt động lao động, văn hóa, thể thao và tổ chức đời sống nội trú cho học sinh phù hợp với tính chất đặc thù nhà trường; chú trọng công tác giáo dục dân tộc; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng lao động thông qua sinh hoạt tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; triển khai hoạt động lao động sản xuất đối với học sinh nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày...
Việc triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 đã thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đáng mừng, sau khi thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, học sinh trong tỉnh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc được học bán trú và hưởng chính sách, có điều kiện để nâng cao chất lượng học tập...
Tiếp tục hoàn thiện mục tiêu Đề án, khắc phục những khó khăn: một số điểm trường có khoảng cách về điểm trường chính xa; cơ sở vật chất còn thiếu; tiến độ thực hiện và giải ngân một số dự án còn chậm; quỹ đất xây dựng các trường vùng cao chật hẹp; vốn đầu tư huy động chưa đáp ứng yêu cầu; giáo viên làm công tác bán trú ở các đơn vị trường có học sinh ở bán trú chưa phải là trường phổ thông dân tộc bán trú không được hưởng chế độ..., trong năm học 2019 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện sắp xếp xóa 91 điểm trường lẻ.
Tăng cường huy động các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, các nguồn tài trợ, tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, điện nước, vệ sinh môi trường một cách đồng bộ, tận dụng tối đa việc sử dụng cho mục đích giáo dục; tiếp tục bố trí, sắp xếp, tuyển dụng bổ sung đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh các trường dân tộc bán trú; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án...
Nguyễn Đình