Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 và tổng kết năm học 2018 - 2019

Yên Bái: Tiền đề cho năm học mới thắng lợi

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/8/2019 | 8:13:07 AM

YênBái - Năm học 2018 - 2019 là một năm học thành công của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái: chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên; giáo dục mũi nhọn tiếp tục có nhiều khởi sắc; lần đầu tiên tỉnh có học sinh giành Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế. Yên Bái là một trong 7 đơn vị trong cả nước được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (bên trái) và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác dạy và học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (bên trái) và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác dạy và học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên.

Phát huy mọi nguồn lực của xã hội chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT, năm học 2018 – 2019, tỉnh tiếp tục đầu tư cho giáo dục nhằm thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ngành GD&ĐT Yên Bái đã tranh thủ tốt sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; phối hợp tốt với các ngành chức năng trong triển khai thực hiện công tác quản lý tài chính và xây dựng cơ bản, nâng cấp cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục. Các cấp quản lý giáo dục thực hiện tốt vai trò tham mưu với cấp ủy ngành, chính quyền địa phương, góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo sự nghiệp GD&ĐT. 

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tạo điều kiện tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT được đẩy mạnh. 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm học vừa là tập trung kiên cố hóa trường lớp và xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 461 cơ sở giáo dục với 442 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó có 201 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 47,6%. 

Các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, phát triển toàn diện năng lực người học. 

Phương châm giáo dục toàn diện cho học sinh là "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề”, điều quan trọng là đội ngũ thầy, cô giáo quan tâm dạy học sinh sống thật thà, tử tế và vị tha; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học… 

Nhờ vậy, đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục của các ngành học, cấp học. Ở bậc học mầm non, tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại các trường mầm non; tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp; các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non và các chuyên đề đổi mới phương pháp hoạt động giáo dục. 

Do đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,77% (tăng so với năm học trước), toàn tỉnh không có hiện tượng bạo hành trẻ em ở cấp học mầm non. Giáo dục tiểu học tiếp tục được quan tâm về chất lượng dạy học giữa các vùng; quy mô trường lớp, học sinh, chất lượng học hai buổi/ngày được tăng lên, 73,8% số học sinh được học 2 buổi/ngày (tăng 0,4%). Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,97% (tăng 0,07%). Các hoạt động dạy và học đối với học sinh lớp 1 được quan tâm và ưu tiên đặc biệt để tạo nền tảng vững chắc về chất lượng giáo dục cho các khối lớp sau. Nhờ đó, giảm mạnh số học sinh bỏ học so với năm học trước.

Trong năm học qua, Yên Bái cũng được ghi nhận về nhiều thành tích nổi bật của giáo dục phổ thông. Ở bậc THCS, xếp loại học sinh khá, giỏi theo chương trình giáo dục hiện hành là đạt 41,7% (tăng so với năm học trước); đánh giá theo mô hình trường học mới, xếp loại năng lực đạt trở lên là 91,4% (tăng 2,1% so với năm học trước), xếp loại phẩm chất đạt trở lên là 96,7%. 

Ở bậc THPT, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt gần 56%, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm hẳn. Công tác giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm, tạo được những dấu ấn quan trọng. 

Trong đó phải kể đến Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020; tập trung quy hoạch phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), PTDTBT theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả. 

Hệ thống trường PTDTBT được củng cố và phát triển với quy mô 54 trường PTDTBT, 50 trường có học sinh bán trú. Quy mô, chất lượng trường PTDTNT được chú trọng. Toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT với quy mô 88 lớp, 2.965 học sinh người dân tộc thiểu số cấp THCS, THPT được học tại các trường PTDTNT đạt 7,3%. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tại các trường PTDTNT cấp THCS đạt trên 70%, cấp THPT đạt trên 65%, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm mạnh so với năm học trước. 

Từ đó, góp phần vào nâng cao tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học ngành học phổ thông với 93,6%. Trong đó, bậc tiểu học đạt 96,8%; cấp trung học cơ sở đạt 93,9%; cấp trung học phổ thông đạt 86%.

Cùng với những dấu ấn ở các bậc học, năm học vừa qua, hưởng ứng các cuộc vận động, hội thi, phong trào thi đua trong ngành do Bộ GD&ĐT phát động, ngành GD&ĐT Yên Bái đã huy động các em học sinh, thầy, cô giáo tham gia tích cực các phong trào, mang về kết quả phấn khởi. Toàn tỉnh có 647 học sinh đạt giải trong các kỳ thi các môn văn hoá THCS, THPT cấp tỉnh, quốc gia; trong đó: cấp tỉnh 623 giải (tăng 26 giải), cấp quốc gia 24 giải. 

Đặc biệt, em Nguyễn Đình Hoàng - học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã giành Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2019. Bên cạnh đó, quy mô của các loại hình giáo dục khác như giáo dục thường xuyên tiếp tục mở rộng, thu hút trên 11.600 học viên theo học ở các loại hình. 

Mặc dù còn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đã tuyển mới trên 2.600 học sinh. Các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, mở thêm các mô hình đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đóng góp cho tỉnh lực lượng lao động có văn hóa, kỹ thuật cao...

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành theo nội dung Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện: đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục; tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, kế hoạch mua sắm thiết bị, công trình xây dựng cơ bản; đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục... 

Với những dấu ấn thành công trong năm học 2018 – 2019, ngành GD&ĐT Yên Bái bước vào năm học 2019 – 2020 với tâm thế và quyết tâm mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ giáo dục ở địa phương, ngày càng tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần đắc lực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. 

Năm học 2019 - 2020, toàn ngành phấn đấu 215 trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi tại 180 xã, phường, thị trấn đối với giáo dục mầm non, duy trì và phát triển phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; phấn đấu có trên 30 học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề đạt khoảng 20%, tốt nghiệp THPT đi học nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp đạt trên 40%; đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định.

Nguyễn Thanh

Tags Yên Bái ngành giáo dục năm học mới giáo dục mầm non giáo dục phổ thông

Các tin khác
Công an xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên bàn các giải pháp đưa người nghiện đi cai bắt buộc.

Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 176 người nghiện ma túy, 107 người nghi nghiện có danh sách quản lý. 6 tháng đầu năm, huyện đã lập được 58 hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn, hoàn thiện 15 hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phong trào trồng cây thuốc nam được các cấp hội triển khai rộng khắp.

Những năm qua, Hội Đông y (HĐY) tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực tuyên truyền, phổ biến tác dụng của cây thuốc nam; tạo điều kiện để nhiều thầy thuốc, lương y có tay nghề bốc thuốc, chẩn trị cứu người. Vì vậy, việc khám, chữa bệnh (KCB) bằng y học cổ truyền (YHCT) đã có những bước tiến vượt bậc.

Đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Trường PTDTNT THCS huyện Văn Chấn.

Với bề dày truyền thống trên 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở (PTDTNT THCS) huyện Văn Chấn là một trong những ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu trên địa bàn huyện và luôn trong tốp 15 trường có chất lượng giáo dục THCS cao trong toàn tỉnh.

Mưa to đến rất to rất dễ gây ngập úng cục bộ trong thành phố Yên Bái.

Chiều 14/8. UBND tỉnh Yên Bái, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) vừa có Công văn số 91/BCH-PCTT gửi thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc ứng phó với mưa lớn diện rộng và cảnh báo lốc, sét và gió giật mạnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục