Kỷ niệm 6 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 - 4/10/2019)

Về thăm An Xá - tháng Mười

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/10/2019 | 8:26:51 AM

YênBái - Chúng tôi trở về bên dòng Kiến Giang thơ mộng của làng quê An Xá nhằm đúng vào ngày giỗ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngõ nhỏ và cổng vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngõ nhỏ và cổng vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp


"Kiến Giang đỏ nặng phù sa
Uốn mình khóc, nước mắt hòa đất quê”

Câu thơ ngày Đại tướng mất nhắc nhớ đưa chúng tôi trở về bên dòng Kiến Giang thơ mộng nhằm đúng vào ngày giỗ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (30/8 Âm lịch). Lòng ngập tràn bao cảm xúc khi cả đoàn công tác Báo Yên Bái đứng trước mảnh vườn, mái nhà tranh mang đậm những nét hồn của làng quê Việt - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và gắn bó những năm tháng tuổi thơ, lớn lên cùng sông nước, bãi bờ ăm ắp kỷ niệm...

Từ thành phố Đồng Hới hướng về phía Nam 40 km, làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đi trên đường bê tông mới chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà nơi sinh ra Đại tướng. 

Khác với những ngôi nhà nhỏ, bình dị, con đường trong thôn đang phát triển theo hướng hiện đại, ngõ nhỏ vào nhà Đại tướng vẫn hàng chè tàu xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng, thẳng thắn. Bước qua chiếc cổng  gỗ có mái lợp cọ đã nhuốm đậm màu thời gian là lối vào sân lát gạch đỏ len giữa 2 hàng râm bụt. Nét cổ kính, giản dị đặc trưng của ngôi nhà làng quê Việt vẫn còn vẹn nguyên.

Tiếp chúng tôi là ông Võ Đại Hàm - cháu gọi Đại tướng bằng chú, người được Đại tướng giao việc trông coi khu vườn nhà. Ông cho biết: "Hôm nay, gia đình tổ chức giỗ lần thứ 6 cho Đại tướng. Từ sáng sớm, nhiều tổ chức, cá nhân đã về đây thắp hương. Là con cháu của Đại tướng, chúng tôi cũng vừa chuẩn bị xong mâm cơm cúng. Đây là những món ăn giản dị mà khi còn sống Đại tướng ưa thích”. 

Vừa nói chuyện về người chú kính yêu, vị Đại tướng của dân tộc, ông Hàm vừa kể cho chúng tôi lần về thăm nhà cuối cùng tháng 11/2004 của Đại tướng. "Phải làm sao để nhà và vườn tược luôn có bàn tay chăm sóc, để khi bà con đến thăm, người ta không cảm thấy lạnh” - ông Hàm đã luôn ghi nhớ lời dạy đó và xem đó là động lực và niềm vui của cuộc đời mình. 



Bàn thờ ngày giỗ Đại tướng đơn giản nhưng rất trang trọng.

"Lúc Đại tướng còn sống, con cháu và chính quyền địa phương có ý định trùng tu lại ngôi nhà, nhưng mỗi lần đặt vấn đề, Đại tướng lại nói rằng: "Nếu tu sửa lại được ngôi nhà giống ngôi nhà của cha mẹ ngày xưa thì nên làm". Ngôi nhà bây giờ được trùng tu lại đúng nguyên trạng như ngôi nhà xưa của gia đình Đại tướng. Nhà gỗ 3 gian, 2 chái nằm trên nền đất cũ, giữa khu vườn nhiều cây xanh” - ông Hàm bổ sung thêm. 

Hôm nay, được nghe những câu chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi từ người cháu của Đại tướng đã giúp cho tôi và mọi người hiểu thêm về cuộc đời của Đại tướng một cách bình dị, và sâu sắc nhất từ tuổi ấu thơ cơ cực nghèo khó, đến vị thành niên sục sôi ý chí cách mạng, lòng nồng nàn yêu nước. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chào đời vào mùa nước lũ, cái đói, cái khát, bần hàn, đau thương tủi nhục của người dân mất nước... nỗi thống khổ ấy đã tác động vào người thanh niên yêu nước và cứ lớn dần theo năm tháng. Với truyền thống gia đình, quê hương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại được bồi tụ tinh thần yêu nước từ trong lịch sử và gương oanh liệt của các chí sĩ yêu nước để trở thành một Đại tướng tài ba trong thế kỷ XX, được thế giới thừa nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. 

Cả cuộc đời đi qua hai thế kỷ, sống trọn đời mình thủy chung son sắt cho non sông, gấm vóc, quê hương. Đại tướng hết mình vì Tổ quốc, nhân dân, đã hội tụ trong mình những nét đẹp truyền thống, tinh hoa của dân tộc. Trong lối sống, cách đối nhân xử thế với mọi người, Đại tướng luôn ứng xử chừng mục, khiêm tốn, mỗi câu chuyện, mỗi lần gặp gỡ là một bài học mà Đại tướng để lại cho muôn đời sau.

Trong những năm tháng chiến tranh, mảnh đất Quảng Bình đã hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù, song người dân Quảng Bình đã cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Cứ mỗi lần có chiến công, mỗi lần có đoàn đại biểu Quảng Bình lập được chiến công xuất sắc được ra báo công với Chính phủ, với Bác Hồ là Đại tướng đến động viên, khen ngợi và căn dặn Quảng Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả nước.

Mới đó mà đã 6 năm trôi qua, ngày 4-10-2013, ngày mà cả dân tộc khóc thương tiễn người con ưu tú của dân tộc về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Muôn triệu trái tim, muôn triệu tấm lòng nghẹn thương tiễn biệt Đại tướng, cõi nhân gian vắng bóng một vị tướng thiên tài, một nhân cách lớn, một trái tim đôn hậu, nhân từ, một lòng vì nước, vì dân.




Đoàn cán bộ Báo Yên Bái chụp ảnh lưu niệm bên mái nhà và các cháu của Đại tướng 

Giữa khói hương lan tỏa, mỗi chúng tôi lặng ngắm những kỷ vật còn lại trong ngôi nhà. Nhiều bức chân dung đã cũ theo thời gian, những bức ảnh của Đại tướng đang bàn việc nước với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bức ảnh khác ở chiến trường Việt Bắc, Điện Biên Phủ, với bạn bè, với đồng chí, gia đình, bà con quê hương... được bài trí trang trọng. Bước ra mảnh vườn được hàng duối bao trọn vừa được dọn sạch chuẩn bị gối vào vụ đông, cây vú sữa trước nhà vẫn tốt tươi tỏa bóng, cây táo vẫn vươn cao... Bước vào bếp, chiếc máy quạt lúa, cối xay, rổ, rá thô sơ - những vật dụng thân thương gắn bó tuổi thơ Đại tướng vẫn sắp xếp gọn gàng, ngày qua ngày chờ người xưa trở lại... 

Chia tay, chúng tôi nghiêng mình kính cẩn dâng nén nhang thơm lên Đại tướng tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất. Dòng lưu bút của đồng chí trưởng đoàn công tác Nông Thụy Sỹ - Bí  thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Yên Bái: "Hôm nay, ngày 28/9/2019 (tức ngày 30/8 Kỷ Hợi), đúng ngày giỗ Bác, đoàn cán bộ Báo Yên Bái đến thắp hương tưởng nhớ tại nhà Bác. Thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Yên Bái nguyện noi gương Bác, công tác, học tập góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp” đã thay mặt những người làm Báo Yên Bái hứa trước anh  linh Người sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện góp công sức cùng xây dựng cơ đồ Việt Nam tươi đẹp hơn như Bác Hồ và Đại tướng hằng mong ước. 

Quảng Bình - vùng đất "địa linh, nhân kiệt" - đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt, tướng lĩnh tài ba. 

Đây còn được biết đến là một trong những cái nôi thu hút và môi trường đào luyện nhiều nhân vật lịch sử, hiền tài, thiên tài của đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Bang Cẩn, Hồ Cưỡng, Hoàng Hối Khanh, Đào Duy Từ... nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng, tôi luyện và hun đúc nên nhiều bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt, trí dũng song toàn, đa văn quảng kiến như Trương Xán, Dương Văn An, Nguyễn Đăng Tuân, Võ Xuân Cẩn, Nguyễn Duy Cần... 

Trong lĩnh vực quân sự có những tướng lĩnh tài ba, tiếng tăm lừng lẫy như Nguyễn Hữu Dật,  Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Phúc Phấn,  Lê Trực, Phạm Tuân, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - vị tướng quốc, một bậc công thần đời chúa Nguyễn hay Hoàng Kế Viêm - danh thần thời nhà Nguyễn, nhân vật lịch sử có mặt trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược .. Và hơn hết quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình đã sản sinh cho dân tộc Việt Nam một vị tướng tài ba, lỗi lạc, một tấm gương, một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung, người cnh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Thủy Thanh

Tags Về thăm An Xá tháng Mười

Các tin khác
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Yên Bái sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 27/9/1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh này.

Việc liên thông hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.

Thời gian qua, bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Đồng chí An Hải Nam - Phó chủ tịch UBND huyện (ngoài cùng bên phải) trao tiền hỗ trợ cho gia đình bị hỏa hoạn xã Minh Chuẩn.

Sáng ngày 3/10, lãnh đạo UBND huyện đã đến trao tiền hỗ trợ cho gia đình bị hỏa hoạn xã Minh Chuẩn.

Nhờ sự quan tâm của Đảng,Nhà nước, đồng bào các dân tộc vùng cao đã được dùng nước sinh hoạt.

Triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng ngân sách tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nhiều công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đưa vào hoạt động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục