Trong năm qua, toàn huyện đã tổ chức được trên 560 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở các xã, thị trấn, thu hút trên 46.480 lượt hộ và trên 53.620 lượt người dân tham gia học tập, ký cam kết không vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội; hơn 1.900 buổi truyền thanh, 150 tin, bài đăng tải trên báo chí liên quan đến pháp luật; củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả 312 tổ an ninh nhân dân với 1.250 thành viên, 1.485 tổ tự quản với 25.150 thành viên, 312 tổ hòa giải với trên 1.880 thành viên và 339 hòm thư tố giác tội phạm, hơn 200 biển báo số điện thoại an ninh.
Các mô hình tự quản đã góp phần tích cực vào công tác giữ gìn, ổn định trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương, điển hình như các mô hình: "Xe ôm tự quản” tại thị trấn Mậu A, "Bóng điện an ninh” tại xã Mậu Đông, "Tiếng trống an ninh” tại xã Đông Cuông, "Dòng họ Lò tự quản”, "Người Mông tự quản” tại xã Phong Dụ Thượng...
Anh Lê Tiến Tài - Đội trưởng Đội "Xe ôm tự quản” thị trấn Mậu A cho biết: "Thành lập năm 2013, với 39 thành viên, hoạt động có tổ chức, theo nội quy, Đội chúng tôi luôn bố trí người trực ở các bến xe, ga tàu, bệnh viện, nút giao đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để phục vụ người đi được kịp thời; phân chia nhau chạy, không tranh giành khách, đảm bảo giá cả hợp lý theo từng cung đường, ứng xử với khách và tham gia giao thông có văn hóa, không mắc tệ nạn xã hội".
"Ngoài hoạt động chở khách, lợi thế đông người, thường xuyên di chuyển khắp nơi, Đội chúng tôi nắm bắt, phát hiện nhiều thông tin, vụ việc thông báo, cung cấp thông tin cho ngành chức năng xử lý kịp thời và giúp đỡ được nhiều người bị tai nạn, ốm đau trên đường. Đồng thời, Đội cũng mạnh dạn tự loại bỏ 2 thành viên ra khỏi đội do mắc tệ nạn xã hội nên luôn được ngành chức năng huyện và nhân dân đánh giá cao, tin tưởng, yên tâm mỗi khi di chuyển và vận chuyển hàng hóa bằng xe của Đội” .
Ông Nguyễn Xuân Khang - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5, thị trấn Mậu A cho biết: "Tại ngõ 20, đường Trần Phú, tổ dân phố 5, thị trấn Mậu A trước đây hay xảy ra trộm cắp và một số tệ nạn khác. Năm 2017, sau khi thành lập tổ tự quản về an ninh trật tự trong ngõ, bà con đã cùng nhau đóng góp tiền xây dựng hệ thống điện chiếu sáng ngoài đường và đoàn kết giữ gìn ANTT. Gia đình nào có chuyện hay mẫu thuẫn vợ chồng, tổ cùng nhau tham gia hòa giải; cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội. Nhờ đó, trong ngõ luôn đảm bảo an toàn, ổn định và văn minh. Mô hình đang được nhân rộng ra các tổ dân phố, khu phố khác của thị trấn” - đội trưởng Tài nói.
Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo làm tốt công tác phối hợp giữa lực lượng công an và quân sự trong tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp cơ sở tại 6 xã: Phong Dụ Thượng, An Bình, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Yên Phú và Yên Thái; phối hợp giữa Công an huyện, xã với lực lượng dân quân tự vệ, kiểm lâm trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng; phối hợp với đoàn viên thanh niên và các hội, đoàn thể khác trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn lô đề, cờ bạc, mại dâm..., nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên…
Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, mỗi năm ngành chức năng huyện đã nhận được hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc.
Trong đó, có 35 vụ, 52 đối tượng phạm pháp hình sự; 26 vụ, 136 đối tượng về hành vi cờ bạc, lô đề; 15 vụ, 17 đối tượng buôn bán kinh doanh hàng giả, hàng lậu; 14 vụ, 35 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; cùng công an làm rõ, xử lý dứt điểm 118 vụ việc với 209 đối tượng tại các xã, giữ vững ANTT, ATXH và tạo lòng tin trong nhân dân.
A Mua