Đồng bào Công giáo Yên Bái cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, đồng hành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; thể hiện niềm tin tôn giáo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần làm sống động đường hướng Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào".
Đồng bào Công giáo Yên Bái phần lớn là những người nông dân ở nông thôn, sản xuất nông - lâm nghiệp là chủ yếu. Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân song, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức đoàn thể đã phối hợp với các chức sắc, chức việc tuyên truyền sâu rộng đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Đây là một trong những nội dung trọng tâm của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì và phát động, đồng thời cũng là một trong 8 nội dung của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.
Đồng bào Công giáo đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế chiến thắng đói nghèo.
Nét nổi bật là tích cực phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm…
Phong trào đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đã thu hút được đông đảo đồng bào Công giáo tham gia, nhiều hộ gia đình đã được các nguồn vốn vay của Nhà nước hỗ trợ, sự giúp đỡ của cộng đồng, cùng với tinh thần quyết tâm học hỏi, năng động, sáng tạo đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình kinh tế VACR và kinh doanh dịch vụ phát triển kinh tế.
Tiêu biểu trong phát triển kinh tế trang trại kết hợp giữa chăn nuôi và trồng rừng, tạo việc làm cho lao động địa phương ở huyện Văn Yên có gia đình ông Đỗ Minh Diện, xã Tân Hợp trồng 15 ha quế, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, mỗi năm cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Huyện Trấn Yên có gia đình ông Phạm Văn Ngọc ở thị trấn Cổ Phúc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; gia đình ông Nguyễn Văn Quyền, xã Bảo Hưng chuyển đổi cơ cấu sản xuất chè, đạt năng suất cao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15- 20 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người; gia đình bà Cháng Thị Nhà ở xã Hồng Ca trồng 6 ha quế, 3 ha tre măng Bát độ, 1 ha chè san và chăn nuôi lợn gà cho thu nhập bình quân 180 triệu đồng/năm...
Ngoài ra, còn rất nhiều hộ gia đình, cá nhân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh lao động, sản suất kinh doanh giỏi thu nhập từ 150 triệu đồng - 300 triệu đồng. Đây cũng là những tấm gương sáng đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trong đồng bào Công giáo, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đến hết năm 2018 xuống còn 17,68%.
Hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào Công giáo đã đóng góp tiền, ngày công lao động, tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, tháo dỡ hàng ngàn mét rào, hàng trăm cây lấy gỗ, cây ăn quả... để mở rộng mặt đường giao thông và làm nhà văn hoá.
Điển hình là Giáo xứ Yên Hợp, các giáo họ đã hiến trên 1.500m2 đất, 800 ngày công lao động, 2,5 tỷ đồng, xây dựng 4,2 km đường bê tông nông thôn; Linh mục Nguyễn Kim Cương ủng hộ 100 triệu đồng; các hộ: Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Chí Phương, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên; gia đình ông Vũ Văn Phương, thôn Trung Tâm, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình hiến 1,060 m2 làm đường; ông Nguyễn Văn Lộc, thôn Thủy Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình hiến 350 m2 làm nhà văn hóa thôn…
Có thể nói, đồng bào Công giáo Yên Bái luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của các cấp chính quyền, chấp hành thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia và hoạt động chính trị xã hội.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 đảng viên là người Công giáo, trên 500 người tham gia các cấp ủy Đảng, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, có 218 người tham gia đại biểu HĐND các cấp, 286 người là Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, nhiều vị giữ các trọng trách quan trọng trong cơ quan Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở.
MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền phổ biến tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để mọi người phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thể hiện là những tấm gương sáng của các xứ đạo, họ đạo.
Tiêu biểu là Hội đồng Giáo xứ Đồng Lú, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn; các Họ giáo: Đại Phác, An Thịnh, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên; Nhân Nghĩa, Tân Long, Đại Thắng, huyện Trấn Yên..., Đây cũng là những ngọn cờ đầu trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngoài những tập thể, còn có nhiều cá nhân tiêu biểu như ông Trần Văn Như, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên; ông Lê Tiến Hùng, ông Trần Đức Thắng ở thị xã Nghĩa Lộ...
Một mùa Noel mới đang về trên quê hương Yên Bái, đồng bào giáo dân, các chức sắc vui mừng Đức Chúa giáng sinh, mừng quê hương đất nước đổi mới, phát triển. Giáo dân Yên Bái nguyện "sống phúc âm trong lòng dân tộc”, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương như đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam "Để phục vụ hạnh phúc của đồng bào".
Lê Phiên