Với đặc thù của tỉnh miền núi có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, tiếp giáp với nhiều tỉnh trong khu vực, có hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%) nằm trong danh sách các huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước… nên cùng với tàng trữ, buôn bán và vận chuyển, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Yên Bái khá lớn.
Theo thống kê, Yên Bái có trên 2.600 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tuy nhiên trên thực tế, số người sử dụng lớn hơn rất nhiều. Do đó, cùng với đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tỉnh đã quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy.
Để làm tốt công tác quản lý và cai nghiện, năm 2019, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/-CT/TU ngày 21/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh…
Sở cũng chỉ đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện phục hồi, đảm bảo trật tự, an toàn trong toàn cơ sở, tạo môi trường thân thiện cho người nghiện yên tâm điều trị và cai nghiện.
Đồng thời, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo cấp huyện, xã tăng cường công tác quản lý người nghiện, các trường hợp đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Sở phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức hội nghị tập huấn về tư vấn điều trị nghiện ma túy; xây dựng Nghị quyết "Quy định mức hỗ trợ đối với người nghiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái”…
Trong năm, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy và cai nghiện, phục hồi, quản lý sau cai, điều trị thay thế tiếp tục được quan tâm. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, năm 2019, có 381 học viên (366 bắt buộc, 15 tự nguyện) cai nghiện và 79 bệnh nhân điều trị thay thế bằng methadone. Trong đó, Cơ sở áp dụng điều trị hội chứng cai hêroin theo phác đồ an thần kinh và cai nghiện đối với rối loạn tâm thần do sử dụng một số loại ma túy khác (ma túy đá).
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội được Cơ sở thực hiện duy trì đều đặn. 100% học viên được xét nghiệm sàng lọc HIV. 100% học viên có HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Ngoài ra, những trường hợp có HIV được khám và xét nghiệm đờm nếu phát hiện có vi khuẩn lao và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác sẽ điều trị theo đúng phác đồ. Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý sau cai, Cơ sở đã lập 221 hồ sơ gửi phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố nơi đưa người vào Cơ sở cai nghiện ma túy trình chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định quản lý sau cai tại nơi cư trú.
Cùng với cai nghiện bắt buộc, toàn tỉnh có 1.027 bệnh nhân điều trị thay thế duy trì tại 8 cơ sở điều trị methadone. Trong đó, thị xã Nghĩa Lộ 176 người; Trung tâm kiểm soát bệnh tật 360 người; huyện Văn Chấn 109 người; huyện Văn Yên 87; ngã Ba Kim, huyện Mù Cang Chải 67 người; huyện Mù Cang Chải 58 người; Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh 79 người; huyện Lục Yên 91 người. Từ tăng cường quản lý cai nghiện bắt buộc và điều trị đã góp phần quản lý số người nghiện, từ đó ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình hình buôn bán, sử dụng ma túy luôn phức tạp. Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy hạn chế. Chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy thường xuyên bổ sung, thay thế và điều chỉnh nên quá trình tổ chức, triển khai xuống các địa phương để thực hiện gặp khó khăn… Những nguyên nhân này đã ảnh hưởng đến quá trình cai nghiện.
Để làm tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đồng thời tiếp tục quan tâm công tác cai nghiện và quản lý người nghiện.
Với chức năng của mình, ngành lao động - thương binh và xã hội cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy các cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai, có các phương án đảm bảo an toàn, tuyệt đối về an ninh, trật tự trong cai nghiện...
Tác hại của ma túy là cực kỳ nguy hiểm, là khởi đầu cho mọi loại tội phạm. Do đó, phòng, chống ma túy trong đó có cai nghiện và quản lý cai nghiện là một trong những giải pháp cần được duy trì liên tục để đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi gia đình cũng như toàn xã hội.
Nguyễn Đình