Ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Yên Bái đã bước vào năm 2019 với nhiều quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chiến lược để đạt được những mục tiêu đề ra. Nhìn lại một năm qua, giáo dục Yên Bái có nhiều thành tựu nổi bật như những tia sáng lấp lánh đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho năm mới.
Tia sáng lấp lánh đầu tiên phải kể đến đó là thành tích tại các kỳ thi quốc tế của học sinh Yên Bái đạt cao nhất từ trước tới nay, đã đưa tỉnh Yên Bái tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng khu vực cũng như trên toàn quốc.
Em Nguyễn Đình Hoàng - học sinh lớp 12 Chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã giành Huy chương Bạc, trong Kỳ thi Olympic Hóa Học tại Pháp - thông tin ấy hồi giữa năm như một làn gió tươi mát thổi về khắp nơi trong tỉnh. Đâu đâu người dân cũng nhắc đến như một kỳ tích và với đám học trò, đó là một thần tượng mới.
Còn với những người làm công tác giáo dục rất vui mừng khi nhận được thành quả sau bao nỗ lực không mệt mỏi, đó là kết quả của những đầu tư xứng đáng cho giáo dục của tỉnh nhà, tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực tiếp theo.
Nhắc lại hành trình từ cậu học trò với niềm đam mê Hóa học rồi trở thành người giành được Huy chương Bạc về cho Tổ quốc của em Nguyễn Đình Hoàng luôn thấy sự đồng hành của các thầy cô giáo, nhà trường và sự quan tâm của tỉnh.
Từ sự kiện này người ta nhìn thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vai trò của giáo viên để có thể phát hiện sớm những tài năng, kịp thời bồi dưỡng. Thế mới có một Nguyễn Đình Hoàng đoạt giải Nhì, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bậc THPT ngay từ năm lớp 10, giải Nhất, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bậc THPT năm lớp 11, 12 và đến Huy chương Bạc quốc tế.
Nguyễn Đình Hoàng là "viên ngọc” sáng nhất trong rất nhiều những "viên ngọc” được mài rũa dưới sự cần mẫn, tận tâm của các thầy, cô giáo. Và 647 học sinh đạt giải trong các kỳ thi các môn văn hóa THCS, THPT cấp tỉnh, quốc gia; trong đó: cấp tỉnh 623 giải (tăng 26 giải), cấp quốc gia 24 giải (1 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba, 16 giải khuyến khích) - là những con số biết nói, ấn tượng, minh chứng cho sự phát triển của giáo dục mũi nhọn tỉnh nhà trong năm qua.
Không chỉ là niềm vui về những thành tích của giáo dục mũi nhọn, về tấm Huy chương Bạc lấp lánh, mà đó còn là tin vui từ hàng loạt các trường đạt chuẩn quốc gia. Với 35 trường được công nhận chuẩn quốc gia năm 2019 đưa tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh lên con số 225, chiếm 50,8% tổng số trường trên toàn tỉnh. Phải kể đến huyện Trấn Yên với 94,1% các trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp tiểu học, THCS, THPT 100% các trường đạt chuẩn quốc gia.
Đó không chỉ là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, số trường chuẩn quốc gia được nâng lên cho thấy sự phát triển vượt bậc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực - yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng và tiến bộ của xã hội.
Để đạt được kết quả đó, ngành GD-ĐT tích cực tham mưu, đề xuất với các cấp, các ngành, huy động cả hệ thống chính trị tại địa phương vào cuộc, cùng chung tay thực hiện; chủ động, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý, các tổ chức xã hội, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân, phụ huynh, học sinh, từ đó tạo ra sự đồng thuận và cùng tham gia thực hiện.
Tỉnh Yên Bái đã huy động các nguồn vốn, xem xét lồng ghép các hạng mục đầu tư từ các chương trình, dự án của giáo dục, thực hiện ưu tiên cho các trường trong lộ trình và có khả năng đủ các điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống các phòng học chức năng, phòng học bộ môn, thư viện... đạt chuẩn. Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GD-ĐT Yên Bái đã tham mưu chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, cán bộ quản lý, giáo viên dạy giỏi... Nhờ đó, đạt được hiệu quả cao, bước tiến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Cùng với đó, công tác giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm, đã tạo được những dấu ấn quan trọng. Trong đó phải kể đến Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020; tập trung quy hoạch phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), PTDTBT theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả.
Với hệ thống trường PTDTBT được củng cố và phát triển với quy mô 54 trường PTDTBT, 50 trường có học sinh bán trú đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó của tỉnh. Cùng với đó, quy mô, chất lượng trường PTDTNT được chú trọng.
Toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT với quy mô 88 lớp, 2.965 học sinh. Học sinh người dân tộc thiểu số cấp THCS, THPT được học tại các trường PTDTNT đạt 7,3%. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tại các trường PTDTNT cấp THCS đạt trên 70%, cấp THPT đạt trên 65%, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm mạnh so với năm học trước. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học ngành học phổ thông đạt 93,6%. Trong đó, bậc tiểu học đạt 96,8%; cấp THCS đạt 93,9%; cấp THPT đạt 86,0%.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy được triển khai ở hầu khắp các đơn vị trường học trong tỉnh.
Với những kết quả ấn tượng trong năm 2019, tin tưởng ngành GD-ĐT Yên Bái sẽ hoàn thành các mục tiêu: 215 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi tại 180 xã, phường, thị trấn đối với giáo dục mầm non, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III tại 180 xã, phường, thị trấn.
Phấn đấu phổ cập giáo dục THCS mức độ I tại 180 xã, phường, thị trấn; phổ cập giáo dục THCS mức độ II tại 169 xã, phường, thị trấn; phổ cập giáo dục THCS mức độ III tại 69 xã, phường, thị trấn. Phấn đấu năm học 2019 - 2020, có trên 30 học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề đạt khoảng 20%, tốt nghiệp THPT đi học nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp đạt trên 40%; đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, 5.198 người (4.773 giáo viên đạt trình độ cao đẳng trở lên; 4.773 giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp loại khá trở lên).
Phân luồng học sinh sau giáo dục THCS vào trung cấp, học nghề đạt 22,8%, sau giáo dục THPT vào cao đẳng, trung cấp, học nghề đạt 42,3%... Đặc biệt, với những kết quả đạt được trong năm qua, là tiền đề vững chắc để Yên Bái bước vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả cao.
Năm 2019 khép lại với những thành tựu tự hào của giáo dục Yên Bái mở ra cánh cửa mới 2020 hứa hẹn những thành công hơn nữa trong công cuộc đào tạo nguồn nhận lực cho địa phương, cho đất nước.
Thanh Ba