Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND huyện quản lý Nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; PBGDPL,… để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Phòng đã chủ động tham mưu với UBND huyện kiện toàn Hội đồng PBGDPL cấp huyện với 27 thành viên; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải viên; kiểm tra việc xây dựng và quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn.
Xây dựng kế hoạch PBGDPL trong các nhà trường… hàng năm, tổ chức gần 400 cuộc PBGDPL cho trên 23.000 lượt người.
Do đặc thù là huyện vùng cao, trình độ dân trí không đồng đều nên ngoài việc tuyên truyền các luật theo quy định, Phòng đã tập trung nghiên cứu đặc điểm đời sống, sinh hoạt của từng địa phương để xây dựng công tác tuyên truyền phù hợp với từng địa phương như: phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với những hậu quả và các mức xử lý vi phạm; phòng cháy, chữa cháy rừng với các nguyên nhân, biện pháp phòng chống…
Ông Vũ Xuân Đặng - Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: "Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp ở các xã, thị trấn có 22 người; trong đó, 12 người đại học luật và đại học khác, 10 người còn lại có trình độ trung cấp luật. Đội ngũ này đảm đương trên 20 đầu việc các loại như: đăng ký kết hôn; đăng ký khai sinh, khai tử; nhận cha, mẹ, con nuôi; thay đổi họ, tên, chữ đệm; xác nhận tình trạng hôn nhân…
Ngoài ra, còn thường xuyên kiểm tra hoạt động của 60 tổ hòa giải ở cơ sở với 282 thành viên. Hàng năm, vụ việc liên quan đến hòa giải trung bình 100 vụ việc/năm, chủ yếu là tranh chấp đất đai, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và mâu thuẫn trong nội bộ gia đình…
Do làm tốt công tác hòa giải nên hạn chế thấp nhất tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, tạo mối đoàn kết trong gia đình và tình làng nghĩa xóm”.
Để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân, hàng năm, Phòng còn phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng và quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn với 1.760 đầu sách các loại.
Đây là một kênh PBGDPL được triển khai sâu rộng nhằm chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn của các cơ quan đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, các mô hình này đang bộc lộ những hạn chế như: lượng người tìm đọc các loại sách có chiều hướng giảm, những vấn đề người dân quan tâm đa phần truy cập Internet vừa nhanh vừa đơn giản.
Trước thực tế trên, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tủ sách pháp luật là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả PBGDPL ở cơ sở hiện nay.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu tiếp tục đa dạng hóa công tác PBGDPL ở cơ sở, đặc biệt là các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động; đẩy mạnh hoạt động các tổ hòa giải ở cơ sở…, góp phần nâng cao trình độ dân trí để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thái Hưng