Hưởng ứng Phong trào "Người cao tuổi (NCT) làm kinh tế giỏi” do Hội NCT Việt Nam phát động, toàn tỉnh hiện có 70% số NCT vẫn trực tiếp và gián tiếp tham gia lao động sản xuất, chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm kinh tế trang trại.
Nhiều NCT đang trực tiếp chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn và con cháu trong gia đình, dòng họ.
Làn da rám nắng, bước chân nhanh nhẹn, giọng nói chắc nịch, khỏe khoắn... là điều đầu tiên tôi cảm nhận khi gặp ông Hà Phúc Tiến (72 tuổi) ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên.
Tuy ở cái tuổi "xưa nay hiếm” nhưng hàng ngày ông vẫn cùng con cháu tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trở thành một trong những hộ làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Dẫn tôi đi thăm một vòng khu trang trại rộng lớn trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn, vịt thương phẩm và chăn nuôi tằm, ông Tiến cho biết, trước đây, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn vì đông con.
Song, là người lính đã một thời "vào sinh ra tử” nơi chiến trường, đối mặt với bao vất vả, gian nguy, trở về với cuộc sống thời bình, ông luôn tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” với những hy sinh mất mát của anh em đồng chí, đồng đội.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Tiến đã tham gia công tác tại địa phương và được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Minh Tiến (cũ) trong nhiều năm.
Đến năm 2005, khi Nhà nước cho nghỉ chế độ, tuy có lương hưu, cuộc sống cũng bớt khó khăn, con cái đã trưởng thành nhưng nhận thấy sức mình còn khỏe, vẫn còn muốn được cống hiến, làm việc nên ông đã bàn bạc với các con cải tạo, đầu tư quy hoạch lại khu đất của gia đình làm trang trại tổng hợp. Chẳng ngại mưa nắng dãi dầu, sáng nào, ông cũng dậy từ 5 giờ sáng để bắt tay vào công việc của ngày mới.
Ông Tiến tâm sự: "Lựa theo sức mình, việc gì làm được thì làm, không thì hỗ trợ, chỉ bảo các con làm. Còn sức khỏe mà chơi không cũng buồn bực tay chân. Lao động không những giúp cơ thể khỏe ra mà còn thấy có ích cho đời, giúp đỡ được gia đình, con cháu cũng là niềm vui, hạnh phúc của tuổi già”.
Với suy nghĩ giản dị đó, ông đã dành mọi tâm huyết cho việc phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu tài liệu và xem truyền hình, ông và vợ chồng người con trai thứ 5 ở cùng đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 200 gốc bưởi Diễn đến nay cho thu hoạch; đồng thời, thuê đất trồng 3,5 ha trồng dâu nuôi tằm và chăn nuôi gà, vịt thương phẩm với quy mô 1.000 con/lứa.
Hiện tại, gia đình ông đang là hộ nuôi tằm có quy mô lớn nhất của huyện Trấn Yên. Trung bình mỗi năm, với việc xuất bán 6 lứa gà, vịt với tổng sản lượng gần 20 tấn, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi; xuất bán 3 tấn kén cũng thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi.
Với những đóng góp tích cực, đến nay, có gần 10.000 NCT được công nhận danh hiệu "NCT làm kinh tế giỏi” các cấp. Điển hình như các cụ: Đàm Quang Khải, Vũ Hữu Lê (thành phố Yên Bái); Phạm Huy Truân, Ngô Văn Chung (Yên Bình); Giàng Sính, Sùng Sừ Páo (Mù Cang Chải); Hoàng Văn An (Văn Yên); Lò Văn Ổn (Trạm Tấu)…
Phần lớn NCT làm kinh tế giỏi đều là những người từng trải có tri thức kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Toàn tỉnh hiện có hơn 700 hội viên NCT làm chủ trang trại, doanh nghiệp; 904 hội viên NCT làm kinh tế giỏi đang phát huy hiệu quả.
Những đóng góp thiết thực của NCT trong phát triển kinh tế đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần vào sự đổi mới phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án kinh tế lớn của tỉnh.
Hồng Oanh