Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ
Chúng tôi cùng cán bộ Hội Nông dân tỉnh đến thăm mô hình trồng cam của ông Hoàng Văn Sứng ở thôn Bằng Là 2, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đang vào thì cây cam sinh trưởng mạnh, cần chăm sóc tốt. Thời điểm này, ngày nào hai vợ chồng ông Sứng cũng có mặt tại vườn để bón phân, làm cỏ và cắt tỉa những cành cam già hay bị sâu phá hoại.
Là người có kinh nghiệm trồng cam gần 20 năm nay nên ông Sứng hiểu được tầm quan trọng của việc thâm canh cam, song không phải hộ nông dân nào cũng thực hiện được vì thiếu vốn. Năm 2017, tham gia Dự án "Trồng và chăm sóc cam” của Hội Nông dân xã Đại Lịch gia đình ông Sứng được vay 40 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND.
Ông được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc cam theo hướng thâm canh cao, tăng năng suất và giá trị sản phẩm.
Ông Sứng cho biết: "Cây cam được chăm sóc theo hướng hữu cơ thì sẽ sạch bệnh, mẫu mã đẹp, chất lượng quả ngon, giá trị mang lại sẽ cao hơn. Từ những thành công bước đầu mà đến nay gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam theo hướng hữu cơ”.
Hiện nay, ông Sứng đã có 5 ha cam các loại: cam Đường canh, cam V2, cam Vinh. Ngoài cam, ông còn đầu tư nuôi thêm cá, ba ba, ốc nhồi… mang lại tổng thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm”.
Ông Hoàng Văn Sứng là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, được tuyên dương là hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Không chỉ ông Sứng, 15 hộ nông dân tham gia Dự án "Trồng và chăm sóc cam” từ nguồn Quỹ HTND đều phát huy tốt hiệu quả, tạo ra sản phẩm cam chất lượng cao, góp phần cùng nông dân các xã trong huyện giữ vững thương hiệu "Cam Văn Chấn”.
Theo chị Hà Thị Kim Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lịch, Dự án "Trồng và chăm sóc cam” tại xã có 15 hộ hội viên nông dân tham gia với tổng diện tích 15 ha; tổng mức đầu tư trên 1,35 tỷ đồng. Các hộ tham gia đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, tạo ra sản phẩm cam sạch và chất lượng. Với diện tích từ 0,7 ha đến 1,5 ha, mỗi hộ đều có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm”.
Thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả Quỹ HTND của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án "Nâng cao hiệu quả Quỹ HTND” được UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2015 - 2019, tỉnh đã cấp 3,5 tỷ đồng bổ sung nguồn, nâng tổng số vốn từ Quỹ HTND tỉnh lên 4,5 tỷ đồng để triển khai 13 dự án cho 151 hộ vay.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2015 - 2019, Trung ương Hội cũng ủy thác 7,1 tỷ đồng để triển khai 15 dự án cho 178 hộ vay. Quỹ HTND cấp huyện triển khai được 166 mô hình, dự án và nhóm hộ phát triển sản xuất, kinh doanh cho vay với số tiền gần 14 tỷ đồng…
Quản lý tốt nguồn vốn vay
Hàng tháng, Hội Nông dân tỉnh phân công cán bộ đến kiểm tra việc phát triển mô hình của hội viên; tư vấn, hướng dẫn hội viên thực hiện các phương thức canh tác khoa học áp dụng đối với cây trồng, vật nuôi.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã có 164/180 xã phường, thị trấn ủy thác thông qua 15 chương trình cho vay, dư nợ tính đến 31/12/2019 là 819 tỷ đồng với 23.120 hộ vay, thông qua 657 tổ tiết kiệm vay vốn; tỷ lệ nợ quá hạn thấp; việc huy động tiền gửi có sự chuyển biến tích cực với số tiền 31 tỷ đồng.
Hoạt động tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục được duy trì phát triển với 7/9 huyện, thị, thành phố ký chương trình phối hợp; 79 cơ sở Hội tham gia tín chấp với 285 tổ tiết kiệm, vay vốn, 5.716 thành viên dư nợ 354 tỷ đồng.
Các cấp Hội phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 31 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho 1.551 học viên là cán bộ, tuyên truyền viên của cơ sở Hội ở cơ sở.
Năm 2019, thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, các cấp Hội đã hướng dẫn xây dựng 53 mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp hiệu quả gắn với tổ hợp tác và HTX; xây dựng 6 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; thu hút 5 nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, nông - lâm nghiệp; xây dựng mới 15 HTX; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động 11 HTX; thành lập 182 THT; giúp đỡ 197 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Điển hình tại huyện Yên Bình là Dự án Nuôi cá ngạnh thả lồng trên hồ Thác Bà tại xã Hán Đà cho 11 hội viên nông dân vay vốn với số tiền 550 triệu đồng; Dự án nuôi cá nuôi cá trắm đen thả lồng trên hồ Thác Bà tại xã Vĩnh Kiên cho 9 hộ hội viên vay với số tiền 450 triệu đồng; Dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Mông Sơn với số tiền 750 triệu đồng...
Anh Lê Văn Thư, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình chia sẻ: "Với lợi thế mặt nước cùng với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng, năm 2019, tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, gia đình đã có thêm điều kiện để mở rộng thêm quy mô lên trên 100 lồng cá các loại. Tôi cũng sẵn lòng giúp đỡ về kỹ thuật nuôi cá lồng cho các hộ hội viên có nhu cầu”.
HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An chuyên chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò, ngựa và dê cừu giống cung cấp cho thị trường tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu…
Anh Hoàng Văn Liêm - Chủ nhiệm HTX cho biết: "HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động, trong đó, có 2 lao động thuộc hộ nghèo; thu nhập bình quân của công nhân từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Được vay thêm nguồn vốn từ Quỹ HTND, chúng tôi sẽ mua thêm con giống mở rộng diện tích chuồng trại để phát triển chăn nuôi”.
"Cầu nối” giảm nghèo
Theo ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: "Quỹ HTND giúp hội viên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần vào tỷ lệ giảm nghèo chung của tỉnh trong những năm qua. Quỹ HTND cũng là cơ sở để năm 2020 Hội Nông dân tỉnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy như: xây dựng 63 mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, tập trung vào các thế mạnh của các địa phương như: quế, dâu tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ tổng hợp... gắn với HTX, tổ hợp tác; xây dựng 9 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh; thành lập 13 HTX và 100 tổ hợp tác”.
Tính đến tháng 4/2020, Hội đã vận động, hỗ trợ thành lập được 5 HTX là HTX Đạt Thành, thôn Tân Lập, xã Hán Đà, huyện Yên Bình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng; HTX La Pán Tẩn, bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp; HTX chăn nuôi gia cầm Dung Diệu, thôn Nà Vài, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên sản xuất, cung ứng giống gia cầm và các sản phẩm nông - lâm, thủy sản; Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Mường Lò, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ; HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Quân, thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên kinh doanh cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp; các cấp Hội đã rà soát, đăng ký giúp đỡ 85 hộ hội viên, nông dân thoát nghèo năm 2020.
Anh Nguyễn Hồng Dương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn:
Các tổ vay vốn đã giúp các hộ nông dân liên kết với nhau để thành lập các tổ hợp tác, HTX làm ăn có hiệu quả. Hội Nông dân các cấp trong huyện đang tích cực phối hợp với các hộ nông dân để mở rộng diện tích trồng cam, đồng thời chăm sóc và thâm canh tốt để giữ vững thương hiệu cam Văn Chấn.
Anh Trần Thanh Tùng - thôn Kiến Thịnh, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn:
Tôi muốn mở rộng mô hình phát triển kinh tế trang trại để nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người lao động. Là một thành viên của Hội Nông dân xã, tôi mong muốn sớm được tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để gia đình tập trung đầu tư, thâm canh, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. |
Minh Huyền - Mạnh Cường