Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, thông qua các mô hình, từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế tập thể.
Giai đoạn 2016 - 2019, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức trên 3.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 100 nghìn lượt nông dân; phối hợp tổ chức được 121 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 3.700 hội viên.
Hội tích cực phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, các trung tâm nghiên cứu khoa học trong nước xây dựng các mô hình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: mô hình xử lý chất thải trong phát triển trang trại tại thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) với 20 hộ tham gia dự án; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua thương phẩm trên diện tích 4 ha tại xã Nga Quán (Trấn Yên) với 36 hộ tham gia.
Tại huyện Lục Yên, Hội đã phối hợp với Văn phòng Trung ương Hội xây dựng dự án nuôi ghép cá nước ngọt theo chuỗi giá trị tại xã Khánh Thiện - mô hình nuôi cá trắm trên quy mô hơn 11 ha với tổng giá trị 200 triệu đồng; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông thôn xây dựng mô hình thâm canh cam nhằm thúc đẩy hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị tại xã Khánh Hòa, nguồn vốn 200 triệu đồng, quy mô 10 ha…
Thực tế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ được coi là "chìa khóa vàng” giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân thoát nghèo bền vững.
Điển hình như mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Minh An (Văn Chấn); xã Động Quan, Minh Tiến (Lục Yên) với 60 hộ hội viên nông dân nghèo tham gia, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trên 800 triệu đồng đã và đang cho thấy hiệu quả. Số bò của dự án được chăm sóc tốt đến nay sinh sản thêm 20 con, giúp đỡ các hộ nông dân nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại xã Đào Thịnh (Trấn Yên) và xã Phú Thịnh (Yên Bình) đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập thông qua các mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng tại Đào Thịnh; mô hình nuôi ong mật có hiệu quả...; triển khai sản xuất gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC tại các xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Đại Đồng, Tân Hương và thị trấn Yên Bình với trên 1.700 ha và 494 hộ tham gia áp dụng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm cao hơn thị trường từ 7-10%...
Có thể thấy, việc thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông dân thông qua các mô hình kinh tế đã thúc đẩy mạnh sự liên kết giữa các hộ sản xuất, phát huy tốt năng lực, lợi thế của từng địa phương nhằm nâng cao năng lực tài chính, nhân lực, quy mô hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh, tìm kiếm thị trường…, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 8.300 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) tham gia các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trong đó, số hộ nông dân SXKDG tham gia thành lập hợp tác xã nông nghiệp là gần 4.200 hộ, chiếm trên 50,5% tổng số hộ tham gia các loại hình sản xuất nông nghiệp; 35,73% trên tổng số hộ nông dân SXKDG tham gia thành lập các tổ hợp tác; số hộ SXKDG tham gia loại hình gia trại, trang trại là trên 1.100 hộ.
Ngoài ra, số hộ SXKDG tham gia liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tăng từ 4.497 hộ năm 2016 lên gần 8 nghìn hộ năm 2019. Từ đòn bẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cũng như phương pháp thâm canh mới đã được nông dân Yên Bái tiếp nhận và ứng dụng vào sản xuất, từng bước góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 87 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Minh Thúy